Khi đi ngủ, hãy đặt một cuốn sách dưới gối và sáng mai thức giấc, bạn sẽ ghi nhớ được nội dung trong cuốn sách. Đó không phải những gì mà bài viết này muốn nói tới. Nhưng sự thật là có những điều bạn thực sự học được khi đang ngủ, hay ít nhất là cải thiện những gì đang có. Hầu hết chúng đều phụ thuộc vào một điều, đó là âm thanh. Dưới đây là những kĩ năng mà bạn hoàn toàn có thể nâng cao trong quá trình ngủ.
Trong một cuộc thử nghiệm gần đây, các nhà khoa học để những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức học tiếng Hà Lan, bắt đầu với một vài từ cơ bản. Sau đó, người học được yêu cầu đi ngủ. Trong khi họ ngủ, những người nghiên cứu bí mật phát những từ cơ bản mà những người Đức đang ngủ đã được học trước đó. Một nhóm khác thì được ngủ trong yên lặng. Hai nhóm sau đó tiến hành kiểm tra từ và kết quả là nhóm được nghe những từ đó trong khi ngủ có thể xác định và dịch những từ đã được học.
Để đảm bảo kết quả nghiên cứu liên quan chặt chẽ tới giấc ngủ chứ không chỉ là kết quả của việc nghe thấy những từ đó, các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm với một nhóm khác khi cho họ lắng nghe những từ này khi đang làm một việc gì đó khác, ví dụ như đi bộ. Kết quả là nhóm này cũng không thể nhớ lại các từ được học chính xác như nhóm nghe từ khi ngủ.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu dạy một nhóm người chơi 1 giai điệu guitar bằng 1 kĩ thuật từ video game Guitar Hero. Sau đó, nhóm tình nguyện viên cũng đi ngủ và khi thức dậy, họ được yêu cầu chơi lại bản nhạc. Cũng tương tự như thí nghiệm trên, 1 nhóm được nghe bản nhạc khi đang ngủ (mà họ hoàn toàn không hề hay biết) còn 1 nhóm thì không. Kết quả là những người được nghe bản nhạc đó khi ngủ - dù thậm chí còn không có ý niệm gì về chuyện đó - có thể chơi lại giai điệu bản nhạc tốt hơn nhiều những người không được nghe.
Trong một nghiên cứu vào năm 2013, các nhà nghiên cứu yêu cầu 1 nhóm người lớn khỏe mạnh đặt 1 vật ảo lên 1 vị trí nhất định của màn hình máy tính. Trong khi lựa chọn vị trí, họ được nghe 1 giai điệu. Sau đó, các nhà nghiên cứu thực hiện 2 thí nghiệm, trong đó người tham gia sẽ đi ngủ trong 1 tiếng rưỡi. Người tham gia trong thí nghiệm thứ nhất được ngủ yên tĩnh mà không có âm thanh nào. Ở thí nghiệm thứ hai, giai điệu mà người tham gia được nghe khi đặt đồ vật sẽ được phát lại dù không ai trong số họ nói là có nghe thấy khi ngủ. Không ngạc nhiên khi sau giấc ngủ thì trí nhớ về giai điệu của cả 2 nhóm đều mờ nhạt hơn. Nhưng những người được nghe giai điệu- dù là có ý thức hay vô thức - có trí nhớ về nó tốt hơn. Một điều thú vị là trí nhớ của họ còn tốt hơn khi được nói rằng đồ vật ảo đó có giá trị cao.
Các nhà khoa học cho rằng bộ não sử dụng hệ thống thẻ đánh dấu (tag) đặc biệt để chia tách những kỉ niệm đáng nhớ và những kỉ niệm ít quan trọng hơn. Những kỉ niệm được bộ não gắn là "quan trọng" sẽ được gửi thẳng tới vùng lưu trữ trí nhớ dài hạn, trong khi những kỉ niệm ít quan trọng hơn sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi những kỉ niệm mới.
Nhưng các nhà khoa học cho rằng có thể có cách để hack hệ thống này và tận dụng nó theo cách của chúng ta. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người được nghe âm thanh có gắn với kỉ niệm - thậm chí là kỉ niệm không quan trọng - có khả năng ghi nhớ nó tốt hơn. Đầu tiên, nhóm tình nguyện viên tham gia thí nghiệm sẽ đặt 1 biểu tượng lên màn hình máy tính tại 1 vị trí cụ thể. Máy tính được lập trình để chơi 1 âm thanh cụ thể khi đồ vật được đặt lên. Ví dụ như tiếng meo meo phát ra khi đặt biểu tượng con mèo hoặc tiếng chuông reo khi đặt biểu tượng chiếc chuông. Sau đó, nhóm người tham gia đi ngủ. Một nhóm được nghe những âm thanh của 1 vài biểu tượng, trong khi nhóm còn lại ngủ trong yên lặng. Kết quả là những người được nghe âm thanh (dù là bất kì âm thanh nào) đều có thể nhớ lại tất cả các đồ vật : Một âm thanh có vẻ như sẽ giúp kéo theo trí nhớ về nhiều thứ khác.
Não chúng ta hoạt động chậm hơn ở một số giai đoạn nhất định trong đêm. Với 1 số người, não bộ dành nhiều thời gian trong một giai đoạn được gọi là giấc ngủ sóng chậm (slow-wave sleep). Đây là giai đoạn mà các nhà khoa học tin rằng một vài thông tin trong vùng trí nhớ ngắn hạn được chuyển sang vùng trí nhớ dài hạn trong vùng vỏ não trước trán.
Ở một vài thí nghiệm trong số các thí nghiệm nói trên, khi các nhà khoa học có thể nghiên cứu hoạt động của sóng não trên những người tình nguyện viên đang ngủ, họ để ý rằng những người được nghe âm thanh trong đêm - có thể là tiếng nước ngoài trong thí nghiệm đầu tiên hay tiếng guitar trong thí nghiệm thứ hai - có xu hướng dành nhiều thời gian trong giấc ngủ của mình trong giai đoạn giấc ngủ sóng chậm. Nói cách khác thì có lẽ càng có nhiều thời gian trong giai đoạn giấc ngủ sóng chậm thì chúng ta càng có thể học được những kĩ năng mới cũng như lưu giữ những kỉ niệm quan trọng dễ dàng hơn.
Tác giả: Erin Brodwin