Benjamin Franklin từng nói rằng: "Kể tôi nghe và tôi sẽ quên. Dạy tôi và tôi sẽ nhớ. Để tôi tham gia cùng và tôi sẽ học hỏi". Chắc chắn, những lời này có thể được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của công việc và cuộc sống.
Nghe, được dạy, được tham gia là những điều tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy cân nhắc giá trị của một thứ khác nữa, đó chính là phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim được sản xuất bởi Walt Disney. Hẳn những ai đã từng được thưởng thức vài sản phẩm của hãng này đều phải đồng ý với tôi rằng: không những khán giả được xem mà còn "được tham gia" rất sâu vào nội dung và thông điệp mà những đạo diễn tài ba muốn truyền tải nữa.
Dưới đây là 5 bài học vô cùng quý giá mà Disney "dạy" cho chúng ta về cách khiến người dùng chủ động mở hầu bao của mình để được thưởng thức những bộ phim vô cùng hấp dẫn ấy.
Không có gì bí ẩn khi tại sao những bộ phim của Disney lại hay đến vậy, chúng là những câu chuyện tuyệt vời khiến con người luôn cảm thấy hào hứng và khi kể đến cách thức làm marketing cho những sản phẩm ấy, Disney cũng thực hiện rất hoàn hảo. Gần như mỗi lần quảng cáo được hiển thị, người dùng luôn hài lòng và chính vì hài lòng, họ càng cảm thấy yêu mến Disney nhiều hơn nữa.
Những "gã" khổng lồ về quảng cáo luôn hiểu rõ tầm quan trọng của các câu chuyện và trong nhiều năm, họ liên tục tạo ra những hình ảnh tiếp thị dễ nhớ thông qua tính giải trí của chúng. Disney là một công ty giải trí. Họ "bán" những câu chuyện, siêu anh hùng, phim hành động, bi kịch hay những nhân vật cổ tích.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là không nhiều công ty biết vận dụng điều này. Nhiều quảng cáo của họ khá buồn chán, tính giải trí rất ít, thiếu sắc màu cá tính và chính điều này, khiến sản phẩm không tạo ra sự hấp dẫn cho người dùng.
Trong khi đó, những thương hiệu biết làm khán giả chỉ mới xem quảng cáo thôi cũng đã thấy vui trở thành những ngoại lệ.
Disney tuyệt vời vì những bộ phim của hãng khiến chúng ta nghĩ về bản thân ở một góc độ cá nhân nào đó. Hay nói đúng hơn, mỗi bom tấn đều có ít nhất một nhân vật được khắc mãi trong ký ức của chúng ta. Điển hình là sau bao nhiêu năm, chú chuột Mickey vẫn còn là một biểu tượng, một minh chứng hùng hồn về những gì mà Disney đã làm được chỉ với một nhân vật hoạt hình.
Sự thật thì ý tưởng sử dụng các mascot (nhân vật đại diện cho thương hiệu một công ty, một nhà hàng, cửa hàng hay quán ăn..., chẳng hạn như mặt cười hay con vật...) thể thao được vay mượn trực tiếp từ Disney – xuất phát từ sự liên quan ở góc độ cá nhân của các nhân vật nổi tiếng của Disney với khán giả.
Tại các công viên chủ đề của Disney, khách hàng là khách, công việc là "vai diễn", nhân viên là "diễn viên" và mọi thứ họ làm đều đóng những vai trò nhất định.
Tại Disney Studios và Pixar, mọi người cùng làm việc cật lực để tạo nên những bộ phim làm say mê, chinh phục và "thôi miên" khán giả. Đây có vẻ là điều gì đó kỳ diệu nhưng quả thật, sự thống nhất trong từng hành động đã tạo nên thành quả đó. Mọi người nói cùng một ngôn ngữ, mỗi người có một vai trò.
Disney vẫn sử dụng phương pháp "top-down" (phân tích hay suy diễn) để mang lại cho đội ngũ sự tự do gần như không giới hạn. Họ cùng nhau mạo hiểm và sản sinh ra những ý tưởng mà đôi khi đi ngược dòng chảy vốn được chấp nhận.
Marketing cần hội nhập với mọi chức năng – bộ phận khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại hầu hết doanh nghiệp, hoạt động này đang được xem là một chức năng – bộ phận riêng lẻ.
Trong niềm vui, luôn tồn tại giá trị. Phim Disney đưa bạn đến với những thế giới khác, dành cho bạn một "liều thuốc" không có thực giữa cuộc đời thực và khiến bạn không thể nào bước ra khỏi đó. Nhà sản xuất này biết cách khai thác nhiều thể loại, từ hành động, bi kịch, cảm xúc, hoạt hình cho đến hiệu ứng âm thanh, kỹ thuật số và cả các phiên bản 3D để khiến người xem "nhập cuộc".
Đó là những câu chuyện hấp dẫn của các anh hùng và những kẻ xấu, của cái tốt chống lại cái ác, mụ phù thủy và nàng công chúa, người giàu và người nghèo.... Các trailer, poster, sản phẩm có thương hiệu Disney và các công cụ marketing khác trước và sau khi công chiếu phim đều là các sự kiện mang tính hành động và kịch tính. Họ tung ra những tư liệu "behind-the-scene" (hậu trường), phỏng vấn đoàn làm phim... theo kiểu "chúng tôi đã làm điều đó như thế nào" trên kênh YouTube và các kênh truyền hình giải trí khác để thu hút người xem nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp làm marketing theo cách họ làm kế toán. Chuẩn mực một cách cứng nhắc. Không trái tim, không linh hồn, không kết nối.
Không phải tất cả các ngành hàng đều có thể tự do mang lại "sự vui vẻ", nhưng luôn có cách để phát triển các kế hoạch marketing có tính tương tác cao – sử dụng cả hoạt động truyền thống và trực tuyến để làm cho marketing nổi bật. Không có gì có thể buộc một doanh nghiệp trở nên nhàm chán, ngoại trừ sự thiếu tưởng tượng.
Thậm chí những lĩnh vực khôn khan nhất vẫn có thể tìm cách để nội dung marketing và sự xuất hiện của họ trên mạng xã hội trở nên nổi bật hơn. Hãy viết như bạn nói! Hãy đặc biệt! Hãy để sự hài hước lên tiếng! Hãy kể câu chuyện của bạn sao cho khiến người đọc phải tưởng tượng!
Nếu nói rằng "bản chất thương hiệu này vốn khô khan" thì đó là một lời ngụy biện. Vì mọi thứ đều là một cơ hội. Chuột Mickey tai to có thể cũng đã nhàm chán. Nhưng nhân vật này, quả thực, không chán chút nào sau ngần ấy năm tháng. Đơn giản là Disney không biết từ "chán". iPhone của Apple cũng vậy. Thậm chí nhiều thập niên sau, chúng ta vẫn yêu Disney vì chúng ta yêu sự tưởng tượng.