Cha tôi là một người rất nguyên tắc, chúng tôi không thích và sợ những nguyên tắc của ông. Dù tôi đã 17 tuổi, nhưng rất ít khi hai cha con tôi nói chuyện với tôi giống như với một đứa con đã trưởng thành. Ông luôn nói với chị em tôi rằng đứa con nào còn cha mẹ thì vẫn mãi là trẻ con. Cũng đã có những lúc tôi ước cha không còn nữa để chị em tôi thoải mái hơn.
Cha tôi thất nghiệp, cả nhà sống dựa vào đồng lương ít ỏi của mẹ và một vườn café nhỏ mà khi mới cưới nhau, cha mẹ tôi làm được. Tôi đặt nặng vấn đề gia đình nên suốt ba năm học trung học, tôi không học thêm mà chỉ ở nhà tự mày mò với đống sách cũ của em họ và lên các diễn đàn học để thảo luận, tìm tài liệu. Nhưng điều làm tôi buồn nhất là cha tôi chưa bao giờ chịu hiểu điều mà tôi đang làm, ông cho rằng tại tôi lười học, tại ham chơi nên muốn ở nhà, muốn ôm cái máy tính để quậy phá. Đã không ít lần tôi bị cha cho ăn trọi vì ngủ gục trước bàn máy tính, những lần như vậy, tôi nước mắt ngắn, nước mắt dài cãi lại cha với giọng mà cha gọi là “hỗn”. Nhưng sau đó, tôi nhận lại ánh mắt lạnh của cha và tôi sợ ánh mắt ấy, lên giường đi ngủ trong ấm ức, đó là điều tôi có thể làm ngay lúc ấy.
Cha tôi khô khan, chưa bao giờ ông gọi mẹ tôi là em xưng anh, cũng không gọi chị em tôi là con gái yêu hay con gái cưng. Có đôi lúc tôi hỏi ông khi hai cha con vào vườn hái café: “Tại sao cha không gọi mẹ là mình ơi hay em ơi, cha cứ gọi mi, tau nghe kì lắm!”. Ông trả lời nhanh gọn: “Già rồi, gọi thế kì!”, “Thế lúc trẻ cha có gọi không?”, “Cha gọi không quen, làm đi, bữa nay bày đặt lắm chuyện.”
Cha tôi nghiện thuốc lá, một ngày ông có thể hút cả một gói ngựa nâu và ông đặt ra một nguyên tắc “vàng” cho chị em tôi khi chị em tôi nhăn nhó, khó chịu với mùi thuốc lá của cha. Đó là mỗi lần cha hút thuốc thì chị em đi chơi, tránh xa cha ra. Tôi với mấy đứa em hỏi cha tại sao ông không đi ra ngoài hút thuốc mà lại bắt chị em tôi đi chỗ khác. Cha chỉ hắng giọng nạt chị em tôi: “Con không được cãi lời cha!”.
Tôi chưa bao giờ xấu hổ về cha, nhưng cha luôn làm tôi xấu hổ với các em. Cha nói tôi là con đầu, em hư tại chị nên mỗi lần làm sai, dù tôi hay em tôi thì đòn roi cũng ưu tiên trước nhất cho tôi. Tôi lên cấp 2, học hành chểnh mảng, cha biết được và những ngày cực hình đến với tôi. Cứ tối thứ 7 hàng tuần, ông nói tôi đem sách vở mấy môn chính ra để ông dò xem tôi có thuộc toàn bộ định nghĩa đã học trong sách hay không. Lần nào tôi cũng bị trọi vì không thuộc hết bài, nhưng tôi cũng không dám nói với cha nhiều bài quá nên tôi không nhớ hết. Vì tôi biết, cha nguyên tắc, cha gia trưởng, nếu nói thế, chắc chắn tôi sẽ phải nằm xuống và “Con Tí đâu, ra bẻ cho cha mấy cây chè tàu!”
Và rồi, cha tôi đi làm xa. Bác tôi xin cho ông ấy một chân bảo vệ trường tự thục ở phố, thế là cha tôi lên đường. Ông do dự lắm, nhưng mẹ và bác tôi khuyên, nói tôi và 2 em đang lớn, tôi cũng sắp vào đại học nên nếu không làm thêm thì không đủ tiền nuôi chị em tôi. Cha đi, không quên dặn dò chị em tôi học hành chăm chỉ. Chị em tôi gật đầu cái rụp, cha đi và tin tưởng tôi, nhưng cha đâu biết cha đi làm xa, chị em tôi mừng lắm lắm, mừng đến muốn vỡ òa niềm hạnh phúc của sự tự do.
Mẹ tôi là giáo viên, bà rất hiền, bà đảm đang và chị em tôi rất ít khi phải làm việc. Mẹ vẫn thường xuyên cằn nhằn nếu chị em tôi lười học, lười làm việc nhà, nhưng bà không đặt ra bất cứ nguyên tắc nào cho chúng tôi cả và đó là điều chị em tôi thích nhất. Không có cha ở nhà, tôi lười học hơn. Tôi từ danh hiệu học sinh giỏi rớt xuống học sinh khá. Sắp đến kì thi tốt nghiệp, đại học quan trọng, nhưng tôi luôn phớt lờ sự quan trọng ấy vì… không có cha ở nhà. Cha đi làm xa, một tháng chỉ về được một ngày, ngày đó là ngày cực hình của chị em tôi, ông về và “lải nhải” bao nhiêu là chuyện mỗi bữa ăn. Ông kể chuyện những đứa hư hỏng ở trường ông làm, ông đưa ra những viết thương mỗi lần đuổi bắt đám học sinh hư. Da ông đen hơn, người nhiều sẹo hơn. Nhưng… tôi không quan tâm, vì cha đi làm nên phải chịu như vậy thôi.
Ông làm được hơn 1 năm và tháng nào cũng về đều đặn, có những tháng ông làm bù để tháng sau về được nhiều ngày hơn. Chị em tôi thích nhất là ông về vào dịp lễ, vì luôn có quà. Năm tôi vừa thi xong tốt nghiệp, cũng là gần đến ngày lễ thiếu nhi 1-6, cha làm bù để về vào dịp lễ, người ta phát quà cho cha, đó là ưu đãi dành cho bảo vệ đem về cho con. Nhưng ngày lễ cha phải ở lại trường vì có chuyện gấp, vậy là ông không về được. Chị em tôi buồn vì cha không về thì không có quà.
Một tuần sau, cha về. Như mong đợi, cha đem về bao nhiêu là bánh kẹo, có cả trái cây của bác tôi cho. Cha vừa về, chị em tôi ra đón ngay túi quà. Cha lấy tay áo lau mồ hôi: “Trong đó có cả bánh mì Hà Nội đấy, thầy cho cha mà cha thấy ngon quá nên để dành về cho mấy đứa. Ăn thử xem ngon không?”. Tôi là đứa thích ăn bánh mì nên vừa nghe thấy thế, tôi nhào đến túi quà, mở vội lấy ngay để hai em không dành trước: “Cái này của chị, cho hai đứa hết mấy cái kia!” . Nói xong tôi chạy ù vào phòng, ngồi vào bàn học để tiếp tục ôn bài, đưa ổ bánh mì lên ngắm nghía. Tôi nhận ra có và đốm đen trên ổ bánh mì, đưa lên mũi ngửi, mùi mốc nồng nặc. Xoay ổ bánh mì để tìm hạn sử dụng, đã quá hạn 5 ngày. Không hiểu sao nhìn xong tờ nhãn hạn sử dụng, mắt tôi nhòa đi. Một giọt, hai giọt rồi từng giọt nước mắt cứ thế rớt xuống trang sách cũ, tôi có cảm giác đắng nghẹn nơi cổ họng, ngực hơi nhói.
Cha đi xa, cha hiền hơn lúc ở nhà, cha không mắng chửi chị em tôi nhiều nữa. Ông cũng không kiểm tra bài của tôi, chỉ nhắc tôi phải lo học để thi. Tôi nhận ra cha đã bỏ nguyên tắc phải được học sinh giỏi của mà cha dành cho chị em tôi, vì ông không mắng tôi khi tôi cầm giấy khen học sinh khá về, ông cũng không ép tôi phải thuộc tất cả định nghĩa trong sách nữa. Tôi nhận ra, cha sao đen hơn trước nhiều quá, tóc cha bạc nhiều quá, cha nhiều nếp nhăn và sẹo quá. Tôi nhận ra, những gì cha nói ở bữa ăn rất đúng, cha nói những đứa hư hỏng nên cha mẹ chúng phải gửi vào trường cha làm để được quản giáo. Cha nói tự học là điều quan trọng nhất để quyết định thành công của con người. Cha nói, cha mẹ khổ cực cũng vì các con, vì nuôi các con ăn học. Cha nói…
Ổ bánh mì cứ thế đen dần, mốc dần. Nhưng cha nói “thứ gì cũng có giá trị nếu ta coi trọng nó” nên tôi không ném nó vào sọt rác hay cho bầy gà sau vườn ăn nó. Tôi phơi khô, bỏ nó vào một cái hộp. Bởi vì đối với tất cả mọi người ổ bánh mì mốc là thứ bỏ đi, nhưng đối với tôi, nó là thứ có giá trị nhất cho bài học làm con của tôi.
Đừng nhìn cha khi cha còn trẻ.
Hãy nhìn những vết chân chim khi cha cười.
Hãy nhìn mái tóc muối tiêu khi cha ngủ.
Hãy nhìn cuộc đời cha khi cha hy sinh vì con.