"ĐỪNG VÌ THAM CHÚT LỢI NHỎ MÀ VỨT BỎ NHÂN CÁCH" - CÂU NÓI GIÚP THƯƠNG GIA PHÁT ĐẠT
Ở phía nam của một thị trấn nọ có một chợ bán thực phẩm rất lớn. Trong chợ này có một cửa hàng bán cá tươi rất nổi tiếng và phát đạt, khách đến mua hàng thường phải xếp hàng dài để mua bởi vì cá mà họ bán rất tươi và ngon. Ông chủ của cửa hàng này còn có một chuỗi các cửa hàng cá ở những nơi khác.
Ông chủ cửa hàng cá đó là một người đàn ông 50 tuổi. Trong một lần được nói chuyện cùng ông, ông đã nói rằng: “Trước đây, việc kinh doanh của tôi chỉ đủ để nuôi gia đình thôi, có được sự chuyển biến nhiều như thế này là do may mắn một lần tôi đã gặp được một người khách.”
Sau khi châm một điếu thuốc lá, ông kể cho chúng tôi một câu chuyện:
Vào một ngày cách đây đã 5 năm, có một cậu bé chừng 7 - 8 tuổi tới chợ để mua thức ăn. Cậu bé này đã đi tới cửa hàng bán cá của tôi rồi ngập ngừng nói: “Bác ơi, bác bán cho cháu hai con cá chim với ạ!”
Tôi nhìn thoáng qua cậu bé, rồi bắt hai con cá chim lên bán cho cậu ấy.
Cậu bé cầm cá rồi cho tay vào túi quần móc tiền, mãi mới lấy ra được 100 nghìn.
Tôi nói: “Là tiền lì xì của cháu hả? Chắc là không lỡ tiêu đây phải không?”
Hai má cậu bé đỏ ửng lên. Tôi nói: “Của cháu hết 40 nghìn!” Sau đó tôi nhận tiền của cậu bé và lấy 60 nghìn tiền lẻ trả lại cho cậu. Cậu bé nhận tiền xong, chào tôi rồi vội vã đi ngay.
Không ngờ sang ngày hôm sau, cậu bé ấy lại tới, rồi bất chợt ngập ngừng nói: “Bác ơi! Mẹ của cháu hôm nay đi bệnh viện rồi...” Tôi ngạc nhiên nhìn cậu bé ấy.
Cậu bé lại nói tiếp: “Mẹ của cháu lại bị bệnh rồi, hôm nay mẹ cháu phải đến viện để mổ. Hôm qua, cháu đã mua cho mẹ cháu cá chim mà mẹ cháu thích ăn nhất, có khả năng mẹ cháu sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội để ăn nữa rồi...” Cậu bé vừa nói vừa chảy nước mắt nhưng lại cố trấn tĩnh và nói tiếp: “Nhưng mà, mẹ cháu sau khi ăn cá chim xong đã nói với cháu một câu:
“Vì tham lam một chút lợi nhỏ mà vứt bỏ nhân cách của mình thì không đáng đâu con ạ!”
Cậu ấy nói xong liền đút tay vào túi và móc ra một tờ tiền 100 nghìn mới tinh rồi hai tay đưa cho tôi và nói với vẻ xấu hổ: “Bác ơi! Cháu xin lỗi bác! Hôm qua cháu đã dùng tờ tiền 100 giả để trả bác, đây mới là tiền thật ạ!”
Đến lúc này thì tôi thực sự kinh ngạc bởi vì không ngờ sự việc lại là như vậy. Hôm qua khi cậu bé trả tiền cá cho tôi, tôi cũng nhận luôn mà không hề xem xét tiền thật hay giả vì nhìn bề ngoài chất phác của cậu bé ấy thì ai cũng sẽ tin tưởng.
Cậu bé vẫn với vẻ mặt tràn đầy xấu hổ nói tiếp: “Cháu cảm ơn bác ạ! Tờ tiền giả 100 nghìn hôm qua là tiền mà mẹ cháu bán hàng thu được. Mẹ cháu đã cất nó ở ngăn kéo. Vì mẹ cháu bị bệnh nên đã phải tiêu hết tiền. Vì muốn tiết kiệm 100 nghìn cho mẹ nên cháu nên đã lấy trộm nó đi mua cá. Cảm ơn bác đã không trách mắng cháu ạ!”
Tôi nghe xong mà lặng cả người, cảm thấy có gì đó nghẹn lại. Một lát sau tôi mới tới ngăn kéo tìm được tờ tiền đó và trả lại cho cậu bé. Cậu ấy sau khi nhận tiền xong đã cúi người xuống nhận và rời đi.
Tôi đứng nhìn bóng lưng cậu bé đi càng lúc càng xa mà vẫn không thể phục hồi được tinh thần. Cuối cùng, đến giờ thu dọn quán, tôi đã thừa lúc mọi người không để ý mà đem toàn bộ số cá biển mà tôi đã ngâm formal hơn một tuần đổ hết vào thùng rác.
Kỳ lạ là khi tôi làm ăn ngay chính, thời gian ban đầu cũng không quá khó khăn như tôi tưởng, nhưng kinh doanh ngày càng tốt lên vì mọi người đều biết cửa hàng tôi đúng là chỉ bán cá tươi.
Về sau, mẹ của cậu bé ấy đã mất vì bệnh nặng không thể chữa trị được, cậu bé cũng trở về quê học tập. Từ đó, tôi cũng không được gặp lại cậu bé ấy lần nào. Nhưng mỗi lần nhớ đến cậu bé và người mẹ mà tôi chưa từng gặp ấy, hai má tôi lại đỏ ửng lên và trong lòng thật khó tả...
Trí tuệ tuyệt vời của người mẹ ấy không chỉ giúp điều chỉnh cậu con trai trở về với quy phạm đạo đức đúng đắn, giáo dục cậu bé trở thành một người tốt mà còn có thể cảm hóa người khác. Đây thực sự là một người mẹ vĩ đại!
(ST)