- Thưa bố, người ta nói đúng đó bởi nghề này con không đam mê và bố có biết không, chính cái nghề này mới thực sự "con đang bám vào bố mà sống" bởi chưa một lần bố hiểu trong con muốn những gì.
***
Thầy Loan ấn nhẹ dấu chấm sau dòng chữ cuối, cũng là kết thúc buổi học chủ đề hình tượng " Người lái đò sông Đà", rồi thầy hạ cánh tay xuống khép sau lưng như hạ "mái chèo" nghiêm chỉnh đứng trước lớp:
- Thầy vừa lái chuyến đò cuối cùng sang sông, các con hãy tự mình bước lên bờ.
Cả lớp im lặng, ai nấy trong lòng đều dâng lên cảm xúc. Thầy nói tiếp:
Trước khi "đặt chân lên bờ trên kia", thầy muốn hỏi các con một điều:
- Ai? ai trong số này tự tin mình sẽ đậu đại học thì hãy giơ cánh tay lên?
Những học sinh ưu tú với niềm đam mê văn như thể món ăn tinh thần từ những trường trong huyện hội tụ về đây, tất cả họ đều giỏi, chăm ngoan và trở thành đứa con cưng của thầy. Trãi qua những năm tháng học tập, qua mấy đợt kiểm tra thầy đã đánh giá năng lực của từng em. Thầy biết, ai cũng có những đam mê và năng khiếu riêng nhưng đối với môn học này thì tất cả đều hoàn mĩ nên câu hỏi đặt ra chỉ là thầy muốn xem ai là người có dũng khí, can đảm vượt qua chính mình.
Thầy nhìn xuống dưới, thấy một cánh tay, hai cánh tay rồi tất cả cánh tay khác còn lại giơ lên. Đôi mắt thầy rạng rỡ, lần đầu tiên trong cuộc đời cầm phấn của mình chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc tràn ngập như vậy. Nhưng rồi, bất chợt đưa ánh mắt về phía góc lớp, thấy Hoàng ngồi đan chéo hai cánh tay lại với nhau, lòng bàn tay đặt úp trên mặt bàn, thầy sững sờ:
- Hạt mì chính! con không tự tin hay sao?
Hoàng nắm chặt đôi bàn tay lại, mím môi như thể cắn một viên sỏi cứng nào đó, im lặng không trả lời.
Cả lớp cười rồ lên, đồng loạt ngoảnh ra phía sau nhìn Hoàng với ánh mắt giò xét.
Thôi được rồi! nếu con không muốn trả lời thì thầy sẽ không làm khó, rồi thầy bảo:
- Tất cả các con ở đây đều có suy nghĩ riêng và suy nghĩ ấy chính là động lực để giúp các con chạm bước chân đầu tiên của mình vào đời, hãy đem một tờ giấy ra và ghi lại suy nghĩ, mong muốn của mình lên đó.
Buổi học cuối nên ai cũng đều thổ lộ ra tình cảm từ đáy lòng mình. Dường như có cảm xúc lắng động và có vài giọt nước mắt rơi nhòe ướt dòng chữ của những đứa con nói lời cảm ơn, lời chúc tốt đẹp trước khi chia tay.
Thầy nhẹ nhàng cầm những tờ giấy lên, mở đôi mắt to hiền dịu như thể ánh mắt của người cha trìu mến chăm chú vào từng đứa:
- Những tờ giấy này thầy sẽ giữ lại, bốn năm sau, ai muốn lấy lại thì hãy đến tìm thầy nhé. Thầy đảm bảo các con sẽ rất thú vị khi thấy nghề mình đã chọn sẽ khác với những gì các con ghi vào hôm nay!
Rồi thầy tìm mẩu giấy của Hoàng, thầy bất ngờ, khác với mấy bạn là dòng tâm sự dài cả một trang văn còn Hoàng chỉ vỏn vẹn có hai câu:
"Em biết em sẽ không thực hiện được ước mơ làm giáo viên của mình. Nên phía trước mặt em là những bước chân phải chạy, phải chạy thật nhanh"
...
Đọc những dòng chữ đó, thầy như sụp đổ, bấy lâu nay Hoàng là chàng trai thầy đã kì vọng rất nhiều, thầy đã đặt niềm tin vào Hoàng như thể trao tất cả tâm huyết nghề giáo vào em.
Hoàng là đứa con trai duy nhất của lớp mà thầy từng gọi là " Hạt mì chính cánh". Sống giữa một rừng hoa nhưng Hoàng lúc nào cũng e thẹn, rụt rè và vẫn hay khép mình ngồi ở bàn cuối lớp. Với những gì thể hiện, thầy tin em sẽ là hạt mì quý để đem lại sự khác biệt cho lớp học này. Cả lớp học là nồi canh thì chính Hoàng mang đến hương vị ngọt ngào cho nồi canh đó, nhưng hôm nay, hình ảnh chàng trai đeo kính cận vẻ mặt hiền lành ngày nào lại cho thầy một thất vọng lớn. Hẳn có điều gì đó ẩn mắc mà thầy chưa nghỉ ra:
- Hoàng, nếu con gặp khó khăn, hãy báo cho thầy biết. Nếu giúp con được thì thầy sẵn sàng. Có chuyện gì xảy ra đối với con?
- Em thật lòng xin lỗi thầy! chỉ là em...
Nói chưa hết câu, Hoàng vội cầm cặp sách chào thầy và chạy ra khỏi lớp.
Ngoài trời, bóng tối bao trùm lên cả không gian, đây đó có một vài bóng đèn đỏ dọc nơi hành lang lớp học hắt lại như cái nhìn của người xa lạ hiện ra, những luồng sáng mỏng manh yếu ớt không thể soi rõ giọt nước mắt đang chảy của Hoàng. Ai bảo, đàn ông không được khóc, chỉ là họ giỏi che dấu đi nước mắt của mình. Hoàng ngồi đó như một kẻ cô đơn, không có đủ can đản bước vào lớp đối diện với thầy nói ra sự thật
...
Trở về nhà, vừa bước vào cổng thì bố ở trong dẫn chiếc xe máy đi ra, nhìn thấy Hoàng, bố lên tiếng:
- Con vừa đi học vẽ về đấy à!
Hoàng vội che dấu đi khuôn mặt buồn của mình, cố gắng nở nụ cười:
- Dạ!thưa bố.
- Vào tắm rửa, ăn cơm rồi nghỉ ngơi, bố đi đây có chút công chuyện.
Bố Hoàng là trưởng phòng xây dựng ở công ty, Hoàng là đứa con trai đầu mà bố muốn nối nghiệp của mình. Chính vì lẽ đó mà Hoàng cảm thấy bế tắc khi lựa chọn con đường tương lai. Thời đại mà Hoàng đang sống thường theo sự hướng dẫn áp đặt của bố mẹ, đã có lần Hoàng đã nói ra mong ước của bản thân:
- Thưa bố, con muốn mình theo khối C, và muốn trở thành thầy giáo dạy Văn.
Bố Hoàng im lặng, vẻ mặt tức giận:
- Con đường bố vạch cho con đi là đúng, thời buổi này học ngành xã hội đâu có tiếng tăm gì, và hơn nữa học sư phạm con có đủ nuôi sống bản thân không, hay sau này sẽ bám vào bố mà sống?
- Nhưng...
- Không nhưng gì hết...
Câu nói của bố đã làm Hoàng tắt lịm đi ý nghĩ đó.
Mười tám tuổi Hoàng đã có những suy nghĩ người lớn, Hoàng đã đến tuổi vị thành niên nhưng trong mắt bố Hoàng chưa trưởng thành và còn nhỏ bé, chính vì lẽ ấy mà Hoàng bắt buộc phải nghe theo.
Hoàng có năng khiếu vẽ nhưng Hoàng biết bản thân đam mê Văn bởi vì học nó Hoàng mới sống trong những cảm xúc thực tại của chính bản thân. Là chàng trai theo lớp A của trường Công lập, nhưng những buổi tối Hoàng lại lừa dối bố mẹ là đi học vẽ để theo lớp Văn của thầy Loan bên trường Nguyễn Chí Thanh. Cũng chính vì thỏa mãn lòng đam mê nên cứ bảy giờ tối Hoàng đến lớp của thầy Loan để học như thường lệ. Những ngày tháng ấy, Hoàng chăm chỉ, cố chạy thật nhanh. Kì thi đại học Hoàng đậu trường cao đẳng ngành Kiến trúc và Đại học Sư phạm.Đứng trước sự lựa chọn ấy, Hoàng đã có những đêm trăn trở, bản thân Hoàng không biết phải làm điều gì. Hoàng tâm sự với bố, với mẹ rất nhiều nhưng cả bốlẫn mẹ lại cự tuyệt bỏ ngoài tai về ước mơ của Hoàng. Thế rồi, vào một đêm trước khi lên thành phố để nhập học, Hoàng đã nhắn tin cho thầy: " Em sinh ra dường như không phải để làm một thầy giáo. Em sẽ trở lại thăm thầy vào một ngày sớm nhất. Cảm ơn thầy vì tất cả".
Tin nhắn vừa rời đi, chẳng biết thầy Loan có nhận được hay không, Hoàng biết mình có lỗi bởi thầy đã kì vọng quá nhiều, Hoàng đã không có đủ can đảm để nói ra điều ấy.
Ba năm học, với Hoàng là những áp lực, với trách nhiệm, với sự kì vọng của bố. Hoàng đã có lúc từng chán nản và chẳng muốn theo nghiệp này, Hoàng ra trường, trở về công ty của bố làm việc, nhưng có ai biết rằng, công việc ấy đã nhàm chán và chẳng có động lực để phấn đấu. Những thiết kế công trình xây dựng được phác thảo ra nhưng chưa một lần được áp dụng vào thực tế. Hoàng nghỉ đến những tác phẩm văn chương, liên tưởng đến văn và kiến trúc, bất chợt Hoàng đem ra tờ giấy phóng những nét vẽ hùng hồn, Hoàng vẽ lên hình tượng Anh hùng Tnú, vẽ hình tượng Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, và rồi Hoàng vẽ Người lái đò sông Đà đang vật vả với thác nước hiểm nguy. Chưa bao giờ Hoàng cảm thấy thỏa mãn lòng đam mê như vậy, trong lúc say mê với những gì đang làm thì bố Hoàng lên tiếng:
- Con đang làm cái gì đó? Bản vẽ kiến trúc xây đựng quy hoạch khu chung cư mới xong chưa, đưa bố xem?
- Dạ con chưa làm!
- Dạo này gần đây nghe người ta nói con chểnh mảng, thiếu tập trung trong công việc, có phải như vậy không?
- Thưa bố, người ta nói đúng đó bởi nghề này con không đam mê và bố có biết không, chính cái nghề này mới thực sự "con đang bám vào bố mà sống" bởi chưa một lần bố hiểu trong con muốn những gì.
Lần đầu tiên Hoàng có những lời nói nặng lời với bố như vậy. Nhưng Hoàng đã thực sự bế tắc trước cuộc sống. Hoàng muốn đi đâu đó thật xa như trốn tránh tất cả.
...
Chiều lang thang qua những lối mòn xưa cũ, nắng thu nhuộm vàng óng ánh từng cánh hoa cúc nhỏ. Loài cúc này vốn đã mang màu vàng tươi giờ quện thêm cả màu nắng thu nên càng đậm hơn nhiều hay chính bởi lòng Hoàng đang trào dâng lên những cảm xúc mà bông cúc rực rỡ hơn ngày thường. Thoáng buâng khuâng vài giây, nghe rõ tiếng lá khô xào xạc vỡ dưới gót dày, lòng cứ ngỡ chiều đi xào xạc, trong mắt tràn ngập màu lá, giữa không gian tĩnh lặng, chợt nghe đâu đây lời giảng văn năm nào lại vang lên, hình như Hoàng đã yêu văn từ độ ấy. Hoàng nhớ thầy, bất chợt Hoàng muốn về thăm thầy để tìm lại mẫu giấy ngày xưa, nhưng người ta bảo thầy đã nghỉ hưu ba năm rồi và chuyển vào sinh sống ở Huế.
Một chiều tháng tám, Hoàng bắt chuyến xe vào Huế tìm địa chỉ nơi căn nhà thầy ở. Vẫn hình bóng đó, vẫn khuôn mặt đó, Hoàng nhận ra thầy đang ngồi trước sân, Hoàng bỗng bước vào và gọi: Thầy! thầy có nhận ra em không?
- Em là Hoàng đây, là hạt mì chính cánh mà ngày xưa thầy hay gọi đây.
Cảm xúc ngày xưa ùa về, tình cảm của thầy trò vẫn còn sâu đậm. Hai thầy trò ôm chầm lấy nhau như thể cha con. Rồi Hoàng khẽ vào tai thầy và nói "Em sẽ lái thay thầy những chuyến đó còn lại, em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình bằng cách xét tuyển kì học tiếp theo".