(tự truyện "Ba ơi mình đi đâu", Jean-Louis Fournier)
Chắc người đàn ông nào cũng có giấc mơ đó.
Hai con trai của Jean-Louis Fournier đều thiểu năng và tật nguyền vĩnh viễn. Mathieu đã chết và Thomas thì đến năm 30 tuổi vẫn chỉ có thể lặp đi lặp lại câu hỏi "Ba ơi mình đi đâu ?"
"Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay.
Chẳng có ai giơ tay cả.
Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần.
Tôi có đến hai ngày tận thế."
Những người đàn ông trở thành người cha không chỉ để hiện thực hóa giấc mơ, mà còn để gánh vác trách nhiệm, nỗi lo lắng, đôi khi cả sự đau đớn và tuyệt vọng.
Tôi nhớ lúc nhỏ, có lần tôi phạm lỗi, mẹ phạt quỳ úp mặt vào tường suốt hai tiếng đồng hồ. Khi đi làm về, nghe mẹ kể lại, ba đã gọi tôi đến và nói: "Trở thành người như thế nào, tốt hay xấu, là tự do tuyệt đối của con. Con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc đời mình. Ba mẹ yêu thương con không phải vì con ngoan mà là vì con là con của ba mẹ, kể cả khi con dối trá, trộm cắp thì tình yêu của ba mẹ với con vẫn không đổi. Nhưng ba muốn con biết rằng, ba mẹ sẽ rất hạnh phúc và tự hào nếu con trở thành một người chính trực và biết yêu thương".
Và đó là lí do đầu tiên để tôi muốn trở thành một người chính trực và biết yêu thương. Thậm chí là tôi chỉ cần một lí do đó mà thôi.
Tôi nhớ ngày xưa khi tôi chuẩn bị nhập ngũ, cũng là lần đầu tiên xa nhà. Mẹ lăng xăng đồ đạc, nước mắt ngắn dài. Ba ngồi im không nói.
Tôi cứ ngỡ ba không để tâm.
Chiều nay, tôi bỗng nhớ lại dáng ngồi nghiêng nghiêng ấy, khi đọc được mấy câu thơ này:
"Không tiễn con ra phi trường
Ba chỉ ngồi lặng yên quay mặt
Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng"(*)