"Đỉnh cao của giấc mơ hạnh phúc chính là khi người đàn ông biết chia sẻ một phần công việc gia đình với người phụ nữ thương yêu của mình."
***
Cha hàng phố sang chơi thấy tôi đang đánh vật với chậu tã lót to vật vã trong bếp, đầu bê bết cứt xu của trẻ con. Gã bĩu môi mai mỉa.
"Anh tưởng chú mày thế nào, hóa ra cũng chỉ là một thằng bám váy vợ, tầm nhìn xa từ nhà xuống đến bếp."
Tôi dù không mấy hài lòng với cái kiểu châm chọc sỗ sàng ấy nhưng vẫn nhã nhặn đáp lại.
"Thì bác biết đấy, vợ em làm lãnh đạo của một công ty lớn bận trăm công nghìn việc lại hay phải đi ngoại giao nên em tranh thủ được ít ngày phép ở nhà chăm sóc gia đình thôi. Chuyện bình thường mà bác."
"Sao chú không thuê bảo mẫu có phải nhàn thân không, nhà có điều kiện tội đếch gì phải vất vả."
"Vợ em cũng năm lần bảy lượt khuyên em thế xong em không đồng ý. Bác thử nghĩ xem, hai cháu sinh đôi lại còn nhỏ quá em làm sao mà có thể phó thác cho người ngoài được. Chẳng ai chăm con bằng bản thân mình tự chăm sóc chúng đâu bác ạ!"
Gã nhếch mép cười gằn, sự khinh bỉ phơi bày hết cả ra khuôn mặt nham nhở rỗ chằng rỗ chịt. Gã cắp đít về thẳng, chắc là lại tiếp tục cho cái sự nghiệp game online cao cả, thú đam mê từ những ngày chưa lấy vợ đến giờ vẫn không sao bỏ được.
Đương nhiên là mỗi người một sở thích không ai giống ai, ai cũng có quyền tự do tận hưởng cuộc sống theo cách rất riêng của mình nhưng chính cái cách hành xử của gã đối với vợ con thật khiến tôi cảm thấy bất mãn thay cho những người thân của gã.
Vợ gã có một thời từng được mệnh danh là hoa khôi của khu phố, trăm người khao khát, vạn kẻ ước ao. Hồi nàng còn đang ở cái tuổi đái có nơi có chỗ, ngủ phải ở giường quen chứ không phải như bây giờ bạ đâu đái đấy (phụ nữ có chồng con rồi đôi khi vì cái nhu cầu sinh lý không thể đừng được mà mặc mẹ cả cái thể diện chỉ cần úp cái nón vào rồi mặt chổng mông ra đường xòe xòe phát xong là cắp đít dông thẳng mặt tỉnh bơ.) Bảo sao dân gian thường lưu truyền câu nói "trông cái mông kia quen quen" là thế.
Tôi và gã rủ nhau vác bí kíp cưa gái đến tán nàng một lúc. Có một nỗi đau không hề nhẹ đó là gã cán đích trước tôi cũng chỉ bởi gã có con cúp ghẻ, thời bấy giờ có thể nói là đỉnh cao của sự xa xỉ, cả tỉnh chỉ có đúng hai cái. Mỗi lần gã nẹt pô là khói tỏa ra mù mịt khiến nàng mờ mặt cộng thêm khả năng chém gió được xếp vào loại xuất thần nhập hóa, đến con kiến trong lỗ chui ra đập chết hụt mấy lần mà vẫn không chừa xong nghe gã luyên thuyên lại không màng sống chết chạy vào, chạy ra gật gù hóng chuyện.
Không phải tôi cố tình dìm hàng chị em đâu nhưng các cụ ngày xưa phán cấm có sai câu nào. "Phụ nữ chính là những kẻ khờ khạo nhất trong tất cả các giống loài khi nghe những gã đàn ông lẻo mép cưa cẩm, có bao nhiêu lòng ruột cũng mang hết ra cho."
Tôi sau rất nhiều lần cơm nắm muối vừng, thập diện mai phục cũng có được diễm phúc đi chơi cùng nàng, đúng một lần duy nhất. Hôm ấy trời nắng gay nắng gắt, mây trắng bồng bềnh mãi tít trên cao. Tôi chở nàng đi pic nic bằng con xe đạp cà khổ truyền đời ông cố nội để lại. Cách đó 50 năm về trước nó cũng được xếp vào dạng sang chảnh ra phết đấy, nghe đâu cụ bà cũng bị đốn tim bằng chiếc Pơ Zô huyền thoại ấy tuy nhiên cho đến thời của tôi thì nó đã sập sệ lắm rồi.
Lúc cong đít chở nàng vượt đèo tôi phì phò thở hắt ra không khác nào lợn lần đầu bị thắt ống dẫn tinh. Nàng đã không chịu xuống đi bộ ngồi sau còn hỏi một câu hết sức hồn nhiên. "Anh có mệt lắm không?"
Thú thật, thằng đàn ông nào đèo gái sau lưng chẳng sĩ diện hão. Tôi tưởng như sắp chết đến nơi vẫn tỏ ra là một sói ca ga lăng hết nấc nghiến răng trả lời.
"Phình phường phôi!" Mẹ chưa phọt rắm ra là may đấy còn hỏi xoáy.
Lên dốc gay go một thì lúc xuống dốc khốn nạn gấp mười. Chiếc xe chết tiệt bon bon mỗi lúc một nhanh, chẳng hiểu thế đếch nào lúc đến lưng chừng dốc lại đứt phanh nghe đánh PHỰT một tiếng. Nàng ngồi sau gào thét ầm ĩ trong sự hoảng loạn, tôi cố sống cố chết để giữ thăng bằng nhưng cả người lẫn xe chòng chành lắc mạnh không sao kiểm soát nổi rồi cứ thế lao thẳng xuống thửa ruộng phía cuối.
Sau vụ ấy dù có gạ sùi bọt mép nàng cũng nhất định không ra đường cùng tôi nữa kể cả đi bộ. Tôi đắng đến cả nửa mét lòng xong biết làm sao được. Thôi thì đành ngậm ngùi tự nhủ "lỗi không phải tại anh, lỗi tại chiếc phanh phản chủ."
Lại nói về gã hàng phố, sau khi cưới được người đẹp về thì mặt lúc nào cũng trong tình trạng vác lên trời ra đường không để ý vấp phải đá là ngã dúi ngã dụi. Đi đâu cũng ưỡn quả ngực dẹp lép kiểu tập Gym sai phương pháp dương oai.
Những tưởng vợ chồng gã chung sống hạnh phúc lắm dè đâu vừa cưới về hăm bẩy hai mươi sáu ngày đã cãi nhau như mổ bò, ông chẳng bà chuộc, chó đéo bà khinh không bên nào chịu nhường bên nào. Mỗi lần đuối lý gã lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh vợ như chém chả, vả như băm viên. Tôi mấy bận sang can ngăn nhưng không dám quá quyết liệt sợ gã lại đổ vấy cho tằn tịu tình ý gì với con vợ hắn thì rất la lôi thôi.
Gã sống trong ngôi nhà của mình chẳng khác nào một bố đời hợm hĩnh. Vợ gã làm công nhân trong một xưởng may đầu tắt mặt tối cả ngày, về còn tranh thủ cơm nước phục dịch. Có hôm tôi sang nhà gã định bụng rủ uống trà thì thấy gã ngồi cắm mặt vào chiếc máy vi tính cày game, nhà cửa bừa phứa chứa chan có khi cái ổ lợn còn không rác rưởi đến thế. Góp ý thì gã bảo cứ để đấy chiều con vợ về tự khắc dọn. Đàn ông phải làm những việc lớn lao mới xứng đáng đại trượng phu. Tôi nghe chỉ muốn cho ngay chiếc dép tổ ong vào mõm. Thằng cha này chắc đến chết cũng không chừa cái tật hênh hoang bốc phét vốn đã ăn sâu vào não mất rồi.
Cuối cùng thì chuyện gì phải đến cũng đã đến. Lần cuối cùng gã hất mâm cơm ra cửa do không vừa lòng với những món đạm bạc mà vợ gã không chuẩn bị được chu đáo. Như một giọt nước tràn ly vợ gã lẳng lặng bế con về ngoại trong sự chua xót ê chề.
Trong ngày xử ly hôn vợ chồng tôi cũng có mặt, gã tỏ ra hối lỗi khi mong vợ tha thứ bằng cái giọng điệu khinh khỉnh vẫn cố giữ lại chút cốt cách của một thằng đàn ông và vợ hắn đã một mực chối từ. Nàng cho rằng hành động đó đã nhiều lần lặp lại, nàng thà kiêm thêm thiên chức của ông chồng trong gia đình chứ không thể sống với một kẻ chỉ luôn nghĩ đến những chuyện lớn lao, tầm vóc vĩ đại trong khi việc nhỏ bé nhất cũng không thèm chia sẻ với người phụ nữ của mình.
Có không ít những người đàn ông thường lý tưởng hóa cái vai trò của mình lên một cách thái quá mà quên mất rằng: việc giữ lửa trong gia đình, từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất cũng phải đóng góp một phần trách nhiệm.
Cái suy nghĩ "việc nhà là của đàn bà" đã ăn sâu vào tiềm thức con dân Việt từ xa xưa, mặc nhiên đã trở thành một thứ truyền thống đáng xấu hổ cần phải thay đổi một cách quyết liệt nếu không, còn chưa biết bao nhiêu gia đình phải ly tán trong một tương lai rất gần.
Bản chất hoàn toàn có thể thay đổi được, nếu bạn thật sự muốn nó trở nên tốt đẹp hơn.
"Không bao giờ nói không bao giờ."
Nam Ucit