"Tôi tham lam còn cô vì mục đích mà bất chấp thủ đoạn, chúng ta thật xứng với nhau"...
***
Tốt nghiệp loại ưu ở một trường danh tiếng nên Nhã Thụy dễ dàng tìm được việc làm trong một công ty đa quốc gia. Vốn là cô gái khôn khéo, nhạy bén với cuộc sống, chỉ vài năm sau đó, cô đã đạt được một vị trí nhất định. Sau nhiều lần cân nhắc, suy nghĩ cô quyết định xin chuyển về một văn phòng đại diện, thuộc chi nhánh của công ty chính, được mở tại quê hương mình. Bởi cô nghĩ đến người mẹ góa bụa đang ở quê cùng cậu em trai.
Vậy là sau 14 năm du học ở phương trời Tây, cô trở về xứ sở thương yêu.
Ở tuổi 26, cô gần như có tất cả mọi thứ mà nhiều cô gái khác mong mỏi: thông minh, xinh đẹp, công việc hợp thời, thu nhập cao. Nhưng cô vẫn độc thân dù rất nhiều người theo đuổi, săn đón.
Vốn là người tham vọng và biết mình có gì nên ẩn trong vẻ đẹp dịu dàng, dễ mến của cô là sự cầu toàn ở bất cứ vị trí nào. Niềm kiêu hãnh luôn chảy trong con người Nhã Thụy như những cơn sóng ngầm ở phía dưới mặt biển yên bình. Cô cũng đã qua vài mối tình nhưng tất cả chỉ là vui chơi bởi cô chưa nghĩ sẽ lập gia đình. Thêm vào đó, cô yêu cuộc sống một mình hơn. Cô cần họ chiều chuộng chỉ để cuộc đời này có thêm thi vị.
Cô không thiếu thốn điều gì trong cuộc sống thì tại sao phải lấy một người bởi một lý do nào đó ngoài tình yêu?
Vì thế, cô gần như là người từ bỏ họ trước khi thấy chán và cần một cái mới mẽ khá, như rũ bỏ một chiếc áo không còn hợp thời. Cho đến một ngày cô gặp anh trong bữa tiệc của một đối tác chung.
Anh đúng ra cũng không có gì nổi trội hay đặc biệt, ngoài nụ cười rất tươi, mang lại sự ấp ám mà cô vẫn hay ví von nụ cười nắng gió. Thậm chí, lúc đầu, cô cho anh là ngố vì cái tính thành thật, dễ tin người. Chỉ là ở anh có cái gì rất lạ thu hút cô, cô không tài nào lý giải được. Giống như bao năm sống với đô thị hào nhoáng, người ta đâm ra thích đồng quê cũng như sau bao nhiêu khuôn mẫu, cô thấy anh có nét gì giản dị rất riêng.
Thoạt đầu, cô cũng nghĩ chỉ kết bạn cho vui vì những khi tiếp xúc, trò chuyện với anh, cô thấy rất dễ chịu và thoải mái. Hình như anh là dòng nước mát êm ả, làm dịu đi những gai góc trong cô - một nơi yên bình để cô nghĩ về và tin rằng cuộc đời vẫn còn lắm điều đáng tin.
Dần dà, cô phát hiện giữa cô và anh có chung nhiều sở thích từ âm nhạc tới hàng tá chuyện vặt vãnh. Anh sống rất tình cảm và chu đáo. Với anh, cô có thể́ nói tất cả mọi chuyện mà không e dè như một người thân thật sự. Cho tới một ngày, cô biết tình cảm của mình dành cho anh không còn đơn thuần là bạn. Cô đã yêu anh từ lúc nào mà chính cô cũng không hay biết và cô tin anh cũng có cảm tình với mình dù anh luôn giữ khoảng cách bởi anh là người đàn ông đã có gia đình.
Anh kết hôn vào bốn năm trước, vợ anh là người phụ nữ tốt. Anh chưa bao giờ nghĩ sẽ có tình cảm với ai khác ngoài vợ mình, nói chi có chuyện thay đổi. Anh cũng từng thú nhận với cô như thế, không hề che giấu.
Điều đó không làm cô chán ghét anh như anh nghĩ mà ngược lại, cô cho rằng đáng quý bởi sự thành thật ấy. Anh tránh né những gì đang diễn biến giữa hai người, cũng như cô cố trốn chạy bằng mọi cách.
Nhưng một ngày, vô tình họ gặp lại nhau ở một góc quán kỷ niệm nơi ngày xưa, họ cùng nói cười vui vẻ bên nhau. Khi cô nhìn thấy anh hốc hác vì phiền muộn, dằn vặt và khi anh thấy dáng vóc hao gầy, chẳng còn xinh tươi của cô vì niềm thương nhớ, họ không thể dứt được tình cảm đang nhen nhóm trong lòng dù biết là mù quáng, là sai, là không thể nhưng họ vẫn lao vào nhau. Anh ôm chặt cô vào tay vì sợ buông ra, cô sẽ biến mất, đáp lời những thương nhớ trong anh, cô khẽ nói:
- Em không cần cái gì hết, em chỉ muốn làm một người tình trong bóng tối của anh thôi. Miễn mình vui là được rồi, em chỉ cần trong tim anh có em. Em không đòi hỏi như những cô gái khác, cũng chẳng bắt anh phải thay đổi. Anh cứ sống với những gì anh có, em cũng thế, miễn mình không phải xa nhau.
Không biết có phải cảm động trước những lời nói đó hay tại những giọt nước mắt đang tuôn trên khuôn mặt xinh xắn hoặc có thể bởi vì không cưỡng nổi trước một cô gái quyến rũ như vậy, anh ôm cô vào lòng và gật đầu đồng ý. Còn cô thầm nghĩ "cứ tạm như thế, biết đâu cô lại nhanh chóng thấy chán anh và rũ bỏ anh như từng làm với bao nhiêu người".
Làm tình nhân cũng có cái thú vị, không phải bị những vấn đề kiểu gia đình chi phối khiến cho tình yêu nhanh nhàm chán, nhạt phai. Mùi vị lén lút như một thứ men kích thích người ta mê say những giây phút có nhau hơn. Anh và cô có những tháng ngày vui vẻ cùng nhau dù không trọn vẹn. Sau những giây phút đi ăn, đi chơi hay nồng nàn bên nhau thì anh phải quay về nhà mình như một sự thật hiển nhiên, không thể thay đổi.
Có đôi lúc, cô thấy day dứt khi nghĩ đến người vợ của anh. Nhưng một năm trôi qua, cô vẫn không thấy chán anh như từng nghĩ.
Vào một đêm tỉnh dậy sau cơn ác mộng, cô buồn bã nhìn chiếc gối lạnh giá bên cạnh. Cô rót rượu ngồi uống một mình, ngắm căn nhà rộng sang trọng, đầy đủ tiện nghi, tự nhiên thấy sao nó mênh mông quá! Cô bỗng đâm ra thèm một gia đình, được sống với những thứ thực sự thuộc về cô, không phải là dùng chung, càng không phải là đi mượn. Cô không muốn sự sẻ chia.
Ban đầu, cô xua cái suy nghĩ đó đi, thầm trách mình sao lại thay đổi tư tưởng sống. Nhưng càng xua thì cái suy nghĩ ấy càng bám chặt vào cô hơn, hối thúc cô nên làm điều gì đó trước khi quá muộn.
Đôi lần, cô định đi tìm vợ anh, chỉ đơn giản xem chị ấy ra sao mà anh cưới làm vợ. Nhưng cô ngại anh biết thì lại sinh ra chuyện không vui. Cô cũng sợ không chấp nhận và chịu đựng nổi sự thật là mình thua một người không thể nào sánh bằng mình trong cuộc sống. Cô cố tìm hiểu thêm thông tin bằng những cách có thể.
Cô biết vợ anh hơn cô vài tuổi, làm một công việc bình thường, không quá xinh đẹp, càng không nổi trội điểm nào và thật may là họ chưa có con. Cô nhếch mép cười thầm, không cần gặp cũng biết, hẳn là một bà nội trợ kém cỏi với cái guồng quay sau tám giờ công sở cùng đồng lương còm về nhà, ôm nồi cơm, lau nhà, chờ sinh con...
Nếu cô không tranh thủ nhanh tay thì còn chờ khi nào. Tại sao cô phải cam chịu, tại sao cô không thể có cái cô muốn?
Chỉ làm người tình trong bóng tối như thế với cô chưa đủ. Cô đáng được hơn thế, cô muốn đường đường chính chính có một gia đình như bao người.
Cô đâm ra ghét những tối thứ bảy lang thang trên phố một mình. Chán những lần đi chơi phải nhìn ngó xem có ai bắt gặp không? Những lần trống trải khi tiễn anh ra cửa, về với trách nhiệm của gia đình sau những bữa cơm tối. Vậy là cô bắt đầu lên kế hoạch để làm người đàn bà kia tự từ bỏ anh hoặc anh thấy chán ngán cô ấy và ly dị.
Việc đầu tiên, cô lén bỏ vào túi áo anh, thỉnh thoảng một chiếc hoa tai phụ nữ hoặc cái gì đó khiến vợ anh nghi ngờ và biết sự hiện diện của người thứ ba. Những khi lấy áo khoác và tiễn anh về, cô điều lén xịt một ít nước hoa của phụ nữ. Rồi cô yên tâm ngồi chờ kết quả.
Và đúng như cô dự đoán, anh tìm đến cô thường xuyên với gương mặt mệt mỏi, buồn phiền. Có lẽ, vợ chồng anh đang rất căng thẳng.
Ngay lúc đó, cô luôn tỏ ra dịu dàng, quan tâm, khuyên anh nghĩ sự việc nhẹ nhàng hơn. Cô làm tất cả mọi chuyện để cho anh hiểu vì cô muốn anh vui. Với kiến thức của mình, cô giúp anh gánh bớt công việc, chia sẻ những cái anh đang suy nghĩ. Thấu hiểu tâm lý, cô luôn tạo cảm giác cho anh thấy không tìm đâu được người hợp hơn cô, chỉ có cô và anh mới đúng là một đôi.
6 tháng sau, cô nghĩ mình đã đạt được thành quả bởi anh hẹn cô đi ăn và có chuyện quan trọng muốn nói. Ngày hôm đó, cô mong cho mau đến tối để gặp anh và nghe điều mong đợi. Khi bước vào quán, cô cảm nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ đang vây quanh mình. Cười thật duyên dáng nhưng mọi thứ cô mong chờ đều diễn ra ngược lại:
- Nhã Thụy, xin lỗi em nhưng... anh không thể đến với em được nữa, mình chia tay thôi em.
Tay cô run run cầm ly nước, mặt tái xanh, cô sốc thật sự trước cái tin đó. Lần đầu tiên, cô nếm mùi thất bại, lẽ nào anh có thể bỏ rơi một người như cô. Cô thua trắng tay trong ván bài tình ái này thật sao? Người nói câu ấy phải là cô mới đúng, giống như cô từng nói với bao người. Không thể là anh ấy, cô òa khóc nức nở ngay sau câu nói. Anh ái ngại nhìn vào mắt cô và nói như van nài:
- Anh không biết dùng lời gì để nói với em dù có xin lỗi em trăm vạn lần cũng không thể đủ. Tình cảm của anh dành cho em là thật, anh không hề dối gạt em, cũng như anh chưa giờ hứa hẹn với em điều gì tiến xa hơn mối quan hệ của mình. Em có rất nhiều thứ mà anh tin ít người đàn ông nào cưỡng nổi sự thu hút từ em, anh cũng không ngoại lệ.
Nhưng anh đã suy nghĩ kỹ, đó chỉ là một thứ tình cảm nhất thời. Từ khi cùng với em, anh cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ vợ bởi cô ấy là người tốt, em cũng biết rõ điều đó. Gần đây, có nhiều sự việc xảy ra khiến anh suy nghĩ mình không thể tiếp tục làm tổn thương cả ba người. Em còn trẻ và anh biết chỉ cần em đồng ý thì ngay lập tức sẽ có người khác vui mừng vì được làm chồng của em.
Đêm đó, cô khóc như mưa. Cô đập phá tất cả thứ gì có trong tầm tay. Sau vài đêm trắng, trong cô không chỉ là niềm đau mà còn là sự tức giận và thù hận.
Cô không thể nào thua được. Cô không có được thì người đàn bà kia cũng đừng hòng, cô phải phá nát ra hết. Anh nghĩ là có thể chấm dứt với cô sao? Không đời nào... Người bỏ rơi anh phải là cô, anh không có cái quyền đó. Cô sẽ trả lại anh cái mà anh đối với cô hôm nay. Cô lại suy tính một kế hoạch mới.
Sáng hôm sau, cô uống một vài viên thuốc ngủ, cô biết rõ chẳng có hại gì nhiều, sau đó cô gọi điện thoại cho anh và nói rằng cô đau khổ, muốn tự sát.
Y như sự tính toán của cô, anh chạy đến và cô lại khóc lóc, than thở. Cô nói anh đừng đoạn tuyệt với cô, cho cô thêm thời gian giảm dần tình cảm trong lòng mình. Cô sẽ cùng anh như những người bạn, thỉnh thoảng đi cafe, trò chuyện. Chỉ trong một thời gian ngắn thôi, cô sẽ làm xong thủ tục để chuyển công việc và trở lại châu Âu, cô sẽ xa anh mãi mãi, không xuất hiện trước mặt anh nữa...
Cuối cùng, anh lại gật đầu đồng ý nhưng anh ấn định chỉ ba tháng thôi. Cô xoay mặt đi về hướng khác, cười đắc thắng.
Thời hạn anh nói gần hết mà cô không có cách nào làm anh quay lại với mình. Buổi chiều, cô lấy một cái cớ, hẹn anh lại nhà dùng bữa tối, đó chính là ngày kỷ niệm anh và cô quen nhau. Cô chuẩn bị khung cảnh lãng mạn, mặc một chiếc áo thật đẹp, tôn lên những đường nét quyến rũ trên cơ thể. Cô vừa sắp xếp xong thì anh tới, buổi ăn diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm áp.
Sau bữa ăn, lúc anh vào nhà vệ sinh để rửa tay, điện thoại của anh để ở góc bàn bỗng nhấp nháy. Cô cầm lên và định mang vào giúp anh nhưng nhìn màn hình hiện lên hai chữ "My Wife" cô bực tức. Tại sao chị ta gọi vào lúc này? Cô bật máy lên nghe.
Khi cô chưa nói tiếng nào thì đầu dây bên kia có một giọng nói nhỏ ngắt quãng: "Anh ơi! Sao em đau bụng quá!". Không cần nghe tiếp, cô đưa tay tắt hẳn nguồn và đặt điện thoại vào chỗ cũ như trước. Lòng cô tự nhủ: "Lại cái màn khóc lóc, giả vờ đau bụng, trúng gió, cảm lạnh của mấy bà vợ, cái trò con nít này, cô biết chơi từ lâu lắm!". Nhưng đêm hôm đó, dù rất khuya, anh vẫn ra về.
Gần hai tuần sau, cô cố gắng liên lạc với anh nhưng đều vô ích, anh biến mất như chưa từng tồn tại. Một buổi chiều, khi cô đi làm về, cô thấy anh ngồi chờ ngay trước nhà mình với hình dáng thất thần, suýt nữa cô không nhận ra anh. Cô vừa vào nhà, chưa kịp hỏi chuyện gì, đã thấy anh đưa ra những vật cô từng lén bỏ vào túi áo anh lúc trước, anh gằn giọng hỏi cô:
- Những thứ này là do cô lén bỏ vào phải không vì không thể vô tình mà nhiều như thế và lần cuối cùng tôi ở đây, chính cô là người tắt điện thoại phải không?
Trong khi cô còn ấp úng, định tạo ra lý do chính đáng, bào chữa cho mình, cô được nhận ngay một cái tát nảy lửa khiến cô ngã nhào. Mắt anh vằn lên những tia đỏ và gầm lên:
- Cả cuộc đời này, tôi không bao giờ tha thứ cho cô và cả cho chính tôi. Cô đừng để tôi gặp mặt thêm lần nào, bằng không, tôi sẽ giết cô đấy. Cô biết rõ tôi nói được, làm được. Cô có biết những thứ này làm cô ấy đau khổ, héo mòn trong im lặng không? Tôi là kẻ khốn nạn, làm tan nát gia đình, cô cũng không phải con người.
Tại sao tôi lại mê muội một con người như cô? Sao tôi không nhận ra cô chỉ yêu chính cô chứ làm gì có chuyện nghĩ cho người khác? Tôi tham lam còn cô vì mục đích mà bất chấp thủ đoạn. Chúng ta thật xứng với nhau, tôi và cô cũng sẽ có cái kết không ra gì đâu.
Anh ta cúi đầu thiểu não, bỏ đi, còn cô vẩn nằm bẹp dưới sàn nhà với ngổn ngang suy nghĩ. Qua thái độ của anh, cô biết chắc là vợ anh đã biết chuyện, thậm chí có thể đòi ly dị. Nếu không nghiêm trọng thế thì anh không xuống tinh thần thê thảm như vậy. Cuối cùng, cái cô muốn đã xảy ra... Cô tính không sai mà.
Cô mỉm cười, xoa xoa một bên má, nhủ thầm: "Cái giá chỉ là một tát tai thì cũng còn rẻ chán so với một gia đình. Anh ta đáng bị như thế, thật đáng đời". Tự nhiên, cô thấy mệt mỏi với tất cả những chuyện đã qua, cuối cùng thì cô cũng cô đơn một mình. Cô ngồi dậy, bước tới cái laptop trên bàn, viết đơn xin nghỉ phép hai tuần, định đi đâu cho thư thả...
***
Ba hôm sau, má Nhã Thụy gọi điện thoại từ quê lên, bà muốn đi tới một thành phố thuộc miền Trung và cần cô đưa tới vì có việc rất quan trọng. Bà lên Sài Gòn gặp cô. Sau bữa cơm tối, cô hỏi má:
- Chuyện gì mà phải gấp gáp, lặn lội ra tới đó vậy má, nhà mình đâu có bà con thân thích gì ở đấy?
Bà thở dài, chậm rãi, ánh mắt như nhớ về thời quá khứ xa xăm nào đó, bà nói:
- Đi thăm má lớn của con. Thật ra má cũng muốn nói với con từ lâu nhưng một phần má ngại ảnh hưởng tự ti của con cái, phần nữa, chuyện đã cũ, ba con đã mất, người trong cuộc ai cũng an phận, hạnh phúc mới nên thôi. Ngày xưa ông nội với ông ngoại con là bạn tâm giao và cùng làm ăn buôn bán chung. Hai nhà quý nhau như ruột thịt nên từ nhỏ bên nội con đã muốn cưới má cho ba con.
Khi lớn, má để ý, thương thầm ba con nhưng ba con chỉ coi má như cô em gái, một người bạn của thời niên thiếu mà thôi. Ba con đi học ở Sài Gòn, yêu cô bạn học chung tên Loan. Tuổi trẻ bồng bột thế nào đó, chị ấy có mang. Hay tin đó, bà nội con tức giận, tìm tới nói gia đình chị ấy không biết dạy con, muốn dòm ngó tiền của của gia đình bà. Nội con làm áp lực, bắt ba con cưới má và sau đó bắt ba về quê hẳn, nhằm cách ly họ.
Chị ấy sinh ra một bé gái tên Thủy, tính ra, lớn hơn con hai tuổi và vẫn nặng tình với ba con. Khi con được mười mấy tuổi, má có nghe phong phanh, họ còn qua lại gặp nhau. Đàn bà ai không ghen, không ích kỷ. Thế là Má dọa ôm em trai con cùng chết cho ba còn vừa lòng. Ba con thề là không qua lại nữa, má mới để yên.
Sau đó vài năm, Ba con mất đột ngột. Khi xong đám tang, lúc con đã trở về bên châu Âu. Chị ấy có lén về cúng mộ, vô tình má gặp được. Chị ấy bảo có chồng khác rồi và sinh thêm đứa con nhỏ. Bây giờ, chị ấy ở thành phố khá xa nên không hay tin và sợ xáo trộn gia đình mới nên chị ấy không đưa con gái cùng về.
Mấy năm trước, má nghe cô ruột của con - bạn học ngày xưa với em gái chị ấy, bảo con bé Thủy - chị cùng cha khác mẹ với con, kết hôn. Má có gửi quà mừng chứ không đi dự bởi má nghĩ ai cũng có cuộc sống riêng và những bí mật cá nhân. Má sợ xuất hiện của mình phiền chị ấy. Hôm qua, má nghe cô con báo tin, Thủy mất vì hậu sản nên má xin địa chỉ và nhờ con đưa má đi chia buồn. Dù sao cũng máu mủ và hồi xưa nói gì thì nói má cũng nợ người ta. Ở tuổi này, má không còn suy nghĩ nhỏ nhen hay hơn thua như thời trẻ".
Cô trầm ngâm nhìn má mình và nói:
- Thật ra con biết chị Thủy của mình, má à. Con lờ mờ từ lâu nhưng con không dám chắc và con cũng không dám hỏi má, sợ má buồn. Năm con 11 tuổi, trước một năm khi má gửi con qua dì du học. Trong khoảng thời gian đó, ba hay dẫn con lên Sài Gòn lấy hàng hóa. Đi chơi hay đi ăn, lúc nào cũng có một người đàn bà chở chị ấy tới để đi cùng con, đến giờ về thì lại tới đón. Chắc đó là bác Loan, con nghĩ như thế bởi nghe chị ấy gọi là "mẹ".
Con nhớ chị ấy hiền lắm, có lần con vấp ngã trầy chân, trong khi con khóc thì chị ấy đã cõng con. Ăn bánh hay ăn kem, cái gì chị ấy cũng nhường con hết, con hỏi tại sao, chị ấy nói: "Vì em là em gái của chị. Mẹ chị dặn làm chị phải thương và nhường nhịn em".
Ba dặn con là không được nói với bất cứ ai, ngay cả má, nếu không ba không dẫn đi nữa. Con ham đi chơi nên không nói nhưng con có thể xác nhận với má một chuyện: bác Loan chỉ đưa đón chị ấy chứ chưa bao giờ đi cùng. Rồi con đi du học, bao chuyện chất chồng cuốn theo. Thêm vào, con còn nhỏ nên câu chuyện cứ dần quên lãng. Đâu ngờ mạng người lại mong manh thế. Thôi để con đi đặt vé máy bay đi cho lẹ, con cũng muốn nhanh tới chia buồn.
Cuối cùng, cô và má cũng tìm đến được địa chỉ do cô ruột mình cung cấp. Đó là căn nhà nhỏ xinh xắn, có giàn hoa giấy phía trước sân. Khi cô nhấn chuông, một người đàn bà ra mở cửa.
Nhìn những đường nét trên gương mặt, cô vẫn nhận ra, đó là bác Loan - người đàn bà ngày xưa hay chở chị Thủy đến đi chơi cùng cô. Bác giải thích là chồng và con trai vừa ra ngoài có việc. Bác Loan khá bất ngờ và không giấu vẻ xúc động khi thấy má và cô đến. Ngồi ở phòng khách, cô vẫn còn cảm nhận được không khí ảm đạm của một gia đình có tang.
Ở góc phòng khách, bàn thờ chị Thủy trắng toát, cô bước đến thắp hương. Trong khi má cô còn ngồi than vãn với bác là hay tin muộn quá, cô nhìn lên di ảnh người chị của mình - một khuôn mặt trẻ đẹp, dịu dàng với mái tóc đen như suối, đôi mắt tròn xoe.
Nhìn ánh mắt ấy khiến cô nhớ lại buổi chiều hôm đó khi ba cô dẫn hai chị em đi mua đồ chơi. Trong lúc cô chọn con heo đất để bỏ tiền tiết kiệm, khá đẹp vì chán ngấy với một tủ búp bê ở nhà thì chị lại chọn một con búp bê biết nhắm, mở mắt. Nhưng khi ăn kem xong và chờ mẹ đến đón, chị bất ngờ đưa con búp bê vừa mua cho cô và nói:
- Chị tặng em...
Cô hỏi tại sao, chị cười nhỏ nhẹ đáp:
-Bởi vì em xinh như búp bê.
Không biết có phải vì lời khen hay vì tự nhiên thấy thương chị mà con bé vốn có cái tính ích kỷ như cô lại rộng lượng đưa con heo ra tặng lại chị và hỏi kèm một câu:
- Em làm em của chị hoài được không?
Chị cười ngjiêng nghiêng, đôi mắt tròn xoe, bắt chước điệu bộ nghiêm trang của người lớn và nói:
- Tại sao lại được hay là không? Mình là hai chị em mà, mãi mãi như thế.
Sau đó, hai ngón tay nhỏ bé của cô và chị xoè ra nghéo chặt nhau như một minh chứng ước hẹn không lời.
Cô đâu ngờ đó là lần cuối gặp chị, kỷ niệm tưởng như mới ngày hôm qua. Trong khói hương, cô thấy mắt mình cay cay, cô thì thầm trước vong linh của chị:
- Em xin lỗi, em vô tâm quá, không đến gặp chị sớm hơn. Dù đã trễ nhưng xin chị tha thứ cho em.
Khi cô trở lại ghế ngồi, cô thấy má mình ôm lấy bác Loan vỗ về. Cô nhủ thầm, nhìn họ bây giờ đâu ai ngờ họ từng là tình địch của nhau. Dù theo phép lịch sự là không nên hỏi nhưng vì muốn biết về chị mình, cô hỏi bác vì sao chị mất trẻ và rất đột ngột, bác Loan sụt sùi kể trong nước mắt:
- Nó lấy chồng lâu nay rồi cháu ạ nhưng mới có mang vào năm nay, nó mừng lắm, đúng ra tháng sau là sinh. Bác cũng tính thu xếp vào chăm nó sinh nở bởi hai vợ chồng cùng đi làm ở Sài Gòn. Thêm vào đó, cái thai ở vị trí không tốt, bác sĩ khuyên nó nên đợi lần sau nhưng nó nhất quyết giữ. Nó bảo sợ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình vì vợ chồng dạo này "cơm không lành, canh không ngọt". Nó vẫn đi khám thường xuyên để bác sĩ tiện theo dõi, nó cũng rất cẩn thận trong di chuyển hằng ngày.
Hai tuần trước thôi, có lẽ nó bị trượt ngã ở nhà bếp lúc ở một mình. Không biết có phải mạng số không mà điện thoại cầm tay của nó lại đang sạc pin để trong phòng ngủ.
Theo dấu vết để lại, nó đã cố lết tới bàn để lấy điện thoại gọi cầu cứu. Trong máy còn lưu lại một cuộc nó gọi cho chồng. Một cuộc nó gọi cho xe cấp cứu thì nó ngất đi. Hôm đó xui rủi, trời mưa lớn, khi xe cấp cứu đến tới nơi thì trễ quá cháu ạ! Nó mất nhiều máu nên cả hai mẹ con nó đi hết, không giữ lại được đứa bé luôn.
Nói tới đó, có lẽ vì nỗi đau và cơn xúc động khiến bán Loan thở dốc, tay chân lạnh toát. Vốn cũng là người có tuổi, mẹ cô đoán bác ấy đang lên huyết áp nên kêu cô phụ dìu bác ấy vào phòng nằm. Gần tới phòng bác Loan, cô thấy một căn phòng nhỏ, khép hờ, trên giường trùm vải trắng xóa, cô đoán là phòng chị Thủy. Khi bác Loan uống thuốc xong, đở lấy cái ly nước từ tay bác, cô xin phép bác cho cô sang phòng chị bởi cô muốn biết thêm về người chị của mình.
Đẩy cửa bước vào căn phòng từng là của chị mình và quan sát. Tất cả ngăn nắp, sạch sẽ, ở góc phòng có cái tủ kính nhỏ và cũ, chứa những đồ lưu niệm. Trong đó, cô thấy có con heo đất ngày xưa cô tặng chị đã bị loang lổ màu sơn theo thời gian. Bâng khuâng, cô mở tủ, thò tay lấy nó ra, khẽ nhìn ngắm. Kế bên nó là một quyển album, cô cũng lấy ra và lần giở từng trang.
Vài tấm ảnh ngả màu ghi lại khoảnh khắc thời thơ ấu của chị. Một tấm mới hơn chị cười toe toét, nhìn vào trang phục chị mặc, cô đoán đó là vào ngày tốt nghiệp của chị. Cô giở trang tiếp theo, hình chị mặc đồ cưới, cô mỉm cười, dùng ngón tay sờ nhẹ lên khuôn mặt rạng ngời, đầy sức sống của chị trong bức ảnh. Cô thầm nghĩ trong lòng, nhìn chị thật hạnh phúc, vui tươi. Phải chi mình có thể tham dự hôn lễ của chị thì hay biết mấy?
Cô lật trang kế tiếp, hình chị chụp cùng chú rể của mình. Và cô... chết điếng người, buông rơi cuốn album.
Người đàn ông trong ảnh cưới - chồng của chị, chính là anh - người tình của cô. Cô trấn tĩnh, cúi xuống nhặt lên, nhìn kỹ lần nữa, biết đâu có sự nhầm lẫn. Phía dưới là một tấm ảnh khác, họ chụp trên sân khấu của buổi tiệc lúc rót rượu. Phía sau ho,̣ tên cô dâu - chú rể được viết thật lớn nhưng không cần nhìn tới như thế, người đàn ông này dù có cắt ra trăm mảnh, cô cũng nhận được, nói chi tấm hình chỉ mới cách vài năm, rõ ràng là anh ta.
Cô bàng hoàng buông thõng tay, cuốn album rơi xuống sàn nhà, phát ra tiếng "cộc" một cách khô khốc. Cô thấy như đất đang thụt xuống, trần nhà quay cuồng.
Những sự việc hiện diện lại trong đầu cô như một cuốn phim quay chậm. Chúng tự xâu kết lại thành một chuỗi thứ tự rõ ràng. Bên tai cô chợt vang lên cái giọng nói yếu ớt ngày nào từ điện thoại của người tình: "Anh ơi... sao em đau bụng quá!".
Cô thấy trước mắt mình, hình ảnh một nụ cười nửa miệng cùng ngón tay sơn móng đỏ chót, kiêu sa, lạnh lùng ngắt nguồn điện thoại. Màu đỏ đó loang ra dần tựa như màu máu chảy ra từ người chị khi lết trên sàn nhà. Cô hét lên kinh hoàng, đưa tay ôm lấy đầu và bỏ chạy. Cô lao ra khỏi cửa, băng qua phòng khách chạy thẳng ra đường, đúng lúc đó một chiếc xe lao tới, cô chỉ nghe tiếng "rầm" rồi thấy mình trôi vào một hố đen vô tận.
***
4 tháng sau... ở một trại tâm thần thuộc tỉnh nhỏ, có một bệnh nhân còn khả trẻ, mới nhập viện gần đây. Điều kỳ lạ là cô ấy không la hét, đập phá hay đi lang thang như những bệnh nhân khác, cô ấy chỉ ngồi co chân ở góc giường, tay ôm khư khư cái gối nhỏ, miệng nở nụ cười thật đẹp, trên gương mặt vô hồn, đờ đẩn.
Cô ấy nhìn chiếc gối và thì thào: "Mình là hai chị em mà". Rồi có lúc, cô ấy lại quẳng cái gối ra thật xa, ôm mặt khóc nức nở, gào lên trong tiếng nấc ai oán: "Chị chết rồi... chị chết rồi...".
Gió vẫn rít không ngừng ngoài cửa sổ...