Có những mặt phẳng nhỏ bé nhưng lại có khả năng nuốt trọn nhiều thứ trong cuộc sống của bạn.
***
Điện thoại di động, thứ trước đây được nhắc đến như một sự xa xỉ đến giờ đã trở thành quá thân quen của tất cả mọi người. Từ đồng bào dân tộc vùng cao tới trẻ em nông thôn, thành thị, chiếc điện thoại trở thành vật bất li thân.
Không dừng lại chức năng nghe, gọi, nhắn tin, thoại di động còn để nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, nhắc nhở... Dùng quen, đến khi không có điện thoại di động, không ít người cảm thấy rất khó chịu. Bạn có công nhận đi đâu bỏ quên điện thoại hay một ngày "dế yêu" bị hỏng, bạn như thiếu mất một cánh tay?
Người ta đã lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại. Xem giờ, điện thoại, nghe đài, điện thoại, nhắc nhở, điện thoại... và tương ứng với đó đồng hồ đeo tay, giấy nhớ, radio bị bỏ xó...
Điện thoại được phát huy hết mọi chức năng trong mọi lúc, mọi nơi. Đường cao tốc, các bạn trẻ vẫn cắm tai phone nghe nhạc rầm rầm, bất cần biết còi xe lớn bé đằng sau, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng từ hành động sai lầm này. Trên xe buýt, trong nhà ga, tại rạp chiếu phim, điện thoại di động được nghe vô tư. Đến cả hội họp đã có ghi một chữ rất lớn: "Tắt điện thoại di động", trong khi một quan khách đang cất tiếng dõng dạc, hội trường vẫn vang lên điệu nhạc chuông rất ngọt ngào...
Các trường học của Việt Nam có quy định cấm mọi sinh viên sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Thế nhưng, ai kiểm soát hết được điều này? Sinh viên, khá nhiều người một tay chép bài, mắt chăm chú nhìn giảng viên nhưng tay kia vẫn dưới ngăn bàn với một tin nhắn dang dở. Điện thoại di động kè kè bên mình, đến bữa cơm có khi cha mẹ phát bực mình với con cái khi vừa gắp thức ăn vừa nhắn tin.
Cả nhà đi xem phim, mắt của con đang dõi màn hình nhưng thực ra tâm thức đang trôi dạt với tin nhắn giận hờn, vu vơ của một cậu bạn mới quen...
Từ ngày giá ti vi hạ nhiệt, chuyện mỗi gia đình ba bốn cá ti vi là chuyện quá bình thường. Chiếc đặt phòng khách, chiếc kê phòng ăn, mỗi phòng ngủ cũng sắm đầy đủ. Vậy là đến giờ cơm, ai cũng chăm chăm vào diễn biến một bộ phim đang "hot", chẳng biết cơm hôm nay mẹ nấu thế nào. Hết giờ cơm, ai lại phòng đấy. Vì phòng của cha mẹ cũng như phòng của con cái đều tiện nghi hết rồi, một mình một không gian, còn đâu sự giao tiếp, sẻ chia của cha mẹ và con cái?
Laptop, một công cụ hữu hiệu của thế kỉ 21 bây giờ không còn quá xa xỉ với giới sinh viên. Nhập học, xe máy có thể sinh viên chưa được sắm nhưng laptop là một ưu tiên hàng đầu vì là công cụ để học tập và làm việc, giải trí, tiếp cận với thế giới hiện đại hữu hiệu cộng thêm ưu điểm gọn nhẹ dễ dàng mang đi mọi nơi.
Sinh viên nhiều trường không bị giới hạn mang laptop lên lớp. Vậy là với cái cớ ghi bài trên Word, tiện để tra cứu tài liệu, thông tin, không ít sinh viên bỏ ngoài tai mọi lời giảng của giảng viên để chăm chú vào các bộ phim, bộ sưu tập thời trang, một clip mới ra của một nhóm nhảy... Và bạn có công nhận với tôi, một ngày chiếc laptop ấy đến hạn bảo hành, bạn làm cái gì cũng lóng ngóng không xong?
Điện thoại di động, ti vi, laptop...là những mặt phẳng nhỏ bé nhưng nó lại đang dần dần có khả năng nuốt trọn nhiều thứ trong cuộc sống của bạn. Thời gian, tiền bạc, tri thức, sự yêu thương. Không ai có thể phủ nhận vai trò của điện thoại di động, cũng như vô tuyến, laptop... Nhưng hãy nên để những mặt phẳng kia trở thành một cánh cửa, giúp bạn đi vào cuộc sống, đừng để những mặt phẳng trở thành những bức tường, giam cầm chính con người bạn!