Tiền làm con người ta mờ mắt. Dòng họ, bà con chỉ là dây thòng lọng.
***
10 giờ đêm. Ở một huyện quê nọ thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Mảnh trăng non nằm chênh chếch trên những vòm lá. Ánh trăng bạc xuyên thẳng xuống mặt đất, chừng như muốn "ghim" sâu hơn. Hai bên đường có hàng bạch đàn song song. Lối đi ở giữa là một con lộ nhựa. Khảm bước chậm rãi từng bước một. Hắn bật diêm, châm thuốc.
Đã tám năm. Từ ngày hắn rời chốn này "lang bạt kỳ hồ". Đã tám năm, không một cuốc điện, một tin tức, thư từ. Hắn nhớ, trước khi đi hắn nói với má:
- Má ở nhà. Con đi làm. Bao giờ có tiền, con về!
Đêm đó, má hắn lận hai củ khoai mì vào bị của hắn. Trong bị có mấy cái quần, hai cái áo. Ngoài ra chẳng có gì đáng quý.
- Khảm. Con đi nhớ giữ gìn sức khoẻ!
Hắn kiềm nước mắt, cố không lên tiếng. Nhưng cũng bật một câu.
- Má ơi! Tha lỗi cho con. Con bất hiếu lắm! Cũng tại thiên hạ mà con bất hiếu lắm.
Má Khảm là Bà Kỳ. Bà Kỳ con ông Hai.
***
Ông hai có bảy người con. Mỗi người chênh nhau một tuổi. Anh Hai, hai mươi, chị Ba, mười chín, chị Tư, Bà Kỳ, Sáu Long, Bảy Trọng, Út Hiếu.
Bà Kỳ vốn tánh của mẹ, thực thà, chịu khó, có hiếu, thương em út, trọng anh chị. Ai nói gì cũng nghe. Mẹ mất khi đứa em út vừa lọt lòng. Nhà nghèo, phải bỏ học để gánh vác gia đình.
Ông Hai nói: "Thôi, mày nghỉ cho thằng Sáu, thằng Út đi học. Con gái, học nhiều rồi cũng lấy chồng".
Bảy Trọng năm đó mười lăm. Có máu làm ăn. Một hôm, Bảy kéo Bà Kỳ ra sân sau, nói: "Chị Năm, thương em thì để em đi. Em lột ngọn mía cũng có ít tiền đi Thành Phố học nghề. Ở nhà nhục lắm! Thằng Sáu vốn tánh khinh bạc. Nó học thành tài thể nào cũng đè đầu em"
Bà Kỳ thương lắm. Ngậm ngùi dúi vào tay Bảy năm chục bạc.
Sang năm, Út Hiếu bỏ học. Hiếu nói:
- Nhà nghèo, học làm gì? Em đi làm có tiền sau này nuôi thân.
Nhà chỉ còn mỗi Bà Kỳ với ông Hai. Năm anh Hai hai mốt thì lấy vợ, sau được bốn đứa con. Hai trai, hai gái. Đặt tên là Quốc, Hạnh, Kiều, Vương. Ông Hai cho chục công đất. Bốn công ruộng với đôi trâu cày. Ông nói "Con trai cả thì tao cho nhiều. Sao nầy tao về già bây lo cho tao".
Sang năm, chị Ba lấy chồng sanh đôi được hai trai, tên là Nghiêm, Liệt. Tiếp đến chị Tư cũng hạ sanh được một trai một gái. Đặt là Oanh, Tèo. Nạnh ai nấy lo nồi cơm riêng. Bà Kỳ phải tần tảo lo việc học cho thằng Sáu cũng như đỡ đần toàn bộ ngôi nhà. Ông Hai bán thịt heo dạo. Hay treo thịt trên đôi gánh, lúc đi lòng thòng. Người ta đặt là Hai Lòng Thòng.
Năm đó, Ông Hai năm mươi tuổi, lấy thêm vợ kế. Nhà, con cái không ai chịu. Ông đành ở riêng. Bà Kỳ đến ba mươi tư thì lấy chồng. Sang năm có con trai đặt tên là Khảm.
Ông Hai nói:
- Mày con gái, đáng lẽ không cho đất. Nhưng thôi, cho mày cái nhà lá hai gian thờ bà ngoại thằng Khảm trên mảnh vườn ba công, với một bờ dừa nằm cặp mé sông.
Bà Kỳ vun xén kỹ, lại cần mẫn thành ra cũng có của để.
Sáu Long học xong. Làm cán bộ ở Xã. Năm ba mươi tuổi lấy vợ, vợ sanh được hai con gái là Phước và Châu. Ông Hai cho ba công đất, hai công ruộng.
Sáu nói: "Phải chi bà Năm về bên chồng như bà Ba, bà Tư thì tốt."
Anh Hai hỏi: "Tốt thế nào chú Sáu?". Sáu chỉ đáp: "Bả con gái đáng lý phải theo chồng. Ông già cho thế là nhiều".
Bảy Trọng hai tám, có vợ hai con. Định cư ở thị trấn. Hành nghề sửa xe. Bảy: "Lạy chị Năm, không nhờ chị cho vốn mở cái tiệm. Đến giờ em còn làm mướn".
Út Hiếu hai nhăm, ở rể, vợ trên Sài Gòn có nhà riêng. Đi làm ở xưởng ve chai, tới tháng đem tiền về. Hôm nào về trễ, vợ mắng: "Chết bờ chết bụi ở đâu vậy? Sao không đi luôn đi. Về đây chi?". Vợ không sanh đẻ gì được. Đôi lúc cáu: "Cưới phải thằng chồng vô phúc"
Năm con Phước lên mười. Một hôm mưa lớn, nó lội sông không khéo bị hụt chân, ngợp nước. Chị Tư đi ruộng về thấy thế bèn lao xuống cứu. Đến khi đẩy được nó vào bờ chị cũng kiệt sức. Về chầu ông bà. Năm đó chị bốn hai tuổi.
Anh Hai đứng ra làm đám ma. Lúc liệm, có đầy đủ anh em dòng họ. Sáu Long nói: "Lạy chị Tư, chị cứu con em để con chị phải mồ côi. Em lạy chị!" Con Oanh với thằng Tèo nép vào nhau. Đầu quấn khăn tang khóc huhu dưới chân quan tài.
Chị Ba nói. "Mày liệu, lo cho chị em nó ăn học". Sáu Long nhăn nhó, đáp. "Để thủng thẳng em coi đã". Nói rồi lại quỳ gối vờ như sắp khóc. Lúc về. Bà Kỳ cầm tay tay con Oanh cho hai chỉ vàng: "Cầm đi con. Có gì qua Cô giúp cho, nghe hông!".
Bà Kỳ làm vườn được vài năm. Sáu Long bán ba công đất của mình ở gần nhà Anh Hai, nó nói.
- Chị Năm. Đất nhà em bán rồi. Chị thương thì cho em một công gần chị. Em ở đậu cũng được.
Bà Kỳ đồng ý. Được vài bữa, Sáu Long đem giấy qua nhà bảo ký tên. Chữ nghĩa trong giấy mập mờ. Bà Kỳ lại thất học, nghĩ. "Nó em Út, không lẽ nó gạt mình". Về sau, hai công đất của Bà Kỳ thành ra của Sáu Long. Bà Kỳ giận lắm, mắng:
- Mày xin ở nhờ, tao cũng cho. Tao tính cho luôn vợ chồng mày một công. Tao nuôi mày ăn học từ nhỏ. Mày không đoái hoài đã đành. Giờ, mày thành tài về đây lừa tao. Thằng mất dạy! Cái ngữ của mày thì ở đâu ra?
Sáu Long đáp: "Ơn nghĩa gì mà kể? Ở đời, ai khôn thì được lợi, vậy thôi. "Tiền mới quan trọng! Tình nghĩa gì, bà chị ơi."
Năm đó, Bà Kỳ đổ bệnh. Đi khám mới biết bị ung thư. Bà Kỳ than: Bệnh tật như thằng ăn mày ngửa tay xin thiên hạ bố thí. Nó không biết ai khổ mà chừa.
Ông Hai nói: "Thôi, mày bán cái nền nhà đi, cũng được một công. Chữa bệnh.". Anh Hai cũng hỏi: "Mày bán không? Tao với Ba tính cho.".
Bà Kỳ nói: "Bán rồi thành ra con còn có bốn mét đất".
Ông Hai nói: "Chữa bệnh, sau này lo làm ăn lại, con!".
Tiền đất được hơn trăm triệu. Ông Hai bảo: "Thôi! Con cho ba năm chục dưỡng già". Anh Hai nói: "Mày cho anh một hai chục, coi như tiền đi đứng.". Bà Kỳ cầm hơn năm chục triệu trong tay mà chua xót.
Thằng Khảm bảo: "Má ơi! Vầy rồi sao đủ chữa bệnh cho má? " Bà Kỳ thở dài, hỏi: "Cha mày đâu?" Khảm đáp: "Đánh số đề rồi". Bà Kỳ quay mặt vào giường bật khóc.
Bà Kỳ chữa bệnh được mấy tháng lại về. Nhà nước cấp cho cái nhà tình thương ộp ẹp, bốn mét vuông. Anh Hai bâng quơ: "Vầy cũng được rồi".
Bà Kỳ so đo: "Được gì? Bì sao được anh. Ba cho anh đất nhiều, anh bán cất nhà tường khang trang. Còn em, phận gái bọt bèo. Còn mỗi cái lổ đất này. Chết không biết chôn ở đâu." Anh Hai nói: "Mày con gái, bì sao được với tao mà so". Bà Kỳ thở dài. "Ba thiên vị lắm!".
Sang năm, Ông Hai đổ bệnh. Nằm ở nhà Anh Hai. Lúc nào cũng có đồ ăn ê chề. Bà Kỳ sang thăm, đem cho ông Hai cái áo. Thằng Khảm đi theo. Tính Khảm vốn bất cần, coi trời bằng vung, nó nói. "Sống chả cho ăn đợi tới hấp hối. Ăn gì nổi mà ăn, rồi cũng vô hết bao tử mấy cậu". Thằng Nghiêm, con Chị Ba nói: "Cô Năm cho ông ngoại có cái áo, cho gì mà cho nghèo dữ?". Thằng Khảm vọt miệng: "Má tui hồi trước cho năm chục triệu. Tiền đó còn hơn mớ trái thúi của ông anh!". Nghiêm tức lắm nhưng không đối đáp được.
Ông Hai ngày càng gầy, tóc bạc, má hóp, mắt sâu hoắm. Ông nói với thằng Khảm:
- Này Khảm, gắng làm con. Làm có tiền con.
Ông Hai gọi Anh Hai, Chị Ba, Sáu Long, Bảy Trọng, Út Hiếu vào, nói.
- Tụi mày phải biết yêu thương nhau. Đừng đấu đá nhau vì một hai đồng bạc.
Út Hiếu nói.
- Ba có cho tui được cái gì đâu? Anh Bảy còn có cái nghề. Anh em ai cũng giàu. Tui thì lượm ve chai.
Hôm sau. Ông Hai nói thèm ăn cháo đậu xanh. Con Hạnh, nói với thằng Liệt: "Thôi chị đi nấu cho Nội ăn. Một hai bữa thì chầu trời chứ gì. Lúc đó nghỉ Khoẻ." Thằng Liệt cười, đưa tay vỗ mông bà chị họ.
Nấu xong, ăn được hai muỗng. Ông Hai nấc lên vài tiếng, trợn mắt, tắt thở, chết!. Ông hưởng thọ bảy mươi tuổi. Đám ma ông rất lớn. Những bốn ngày, ba đêm. Khách đến nườm nượp. Phong bì như rạ. Ba chết, trông anh Hai người ta tưởng đám cưới. Lúc liệm, có bà nhỏ. Bà nằm vật xuống thềm khóc, than:
- Ông đi bỏ lại mình tôi. Tôi biết sống với ai ?
Thằng Liệt lên tiếng:
- Thôi bà Ngoại ơi! Ông Ngoại chết cho bà gần chục công đất, còn than nỗi gì ?
Bốn đứa con Anh Hai đeo khăn tang. Lâu lâu lại liếc quan khách. Thấy ai vào thắp hương đều vờ đưa tay chấm nước mắt. Con Chị Ba. Thằng Nghiêm, thằng Liệt. Con chị Tư, con Oanh, thằng Tèo. Con Sáu Long. Con Phước, con Châu. Con Bảy Trọng. Con Quí thằng Tuấn. Tất tả cố gặng một giọt nước mắt nhưng chả thằng nào, con nào làm được. Đến nỗi, con Hạnh phải vào bếp, lấy giấu hành tây trong người.
Thằng Nghiêm hỏi: "Thằng Khảm đâu ?"
Con Hạnh đáp: "Cô Năm có bệnh, không qua được. Nó ở nhà săn sóc".
Thằng Nghiêm trách: "Ông Ngoại chết có một lần trong đời. Nó không biết thu xếp à ?"
Bà Kỳ bệnh không sang đưa tang được, bà khóc nấc. Bà nói.
- Ba sống bạc với con gái lắm.
Bẵng đi một thời gian. Cuộc sống bà Kỳ càng khó khăn hơn. Chồng theo vợ khác. Bà lại bệnh tật, mọi gánh nặng đặt lên vai thằng Khảm. Có hôm nhà không có gạo ăn. Bà Kỳ phải luộc rau muống ăn tạm. Hàng xóm ai đem cho bát cháo, bà mừng lắm. Bà Sang hỏi mượn tiền Anh Hai. Anh hai nói:
- Tao làm gì có. Rồi thêm: - À! Tao nghe thằng Bảy nói hồi sống ba không cho nó cái gì. Bây giờ còn miếng đất cho mày ở nhờ. Sau này nó bán.
Bà Kỳ lên vay tiền Chị Ba. Gặp thằng Nghiêm, thằng này chề môi.
Chị Ba nói:
- Tao không có tiền. Rồi bảo: - Năm. Đất đó thằng Sáu nói cho mày ở nhờ. Hồi xưa ba cho mày thừa kế chứ chưa làm bàn phán.
Bà Kỳ về nói lại với thằng Khảm. Khảm chửi.
- Quân mất dạy! Má tao bệnh tật, chúng mày đã không dị tình lại còn nhòm ngó đất đai. Phải hồi đó mà không lo cho quân bạc bẽo chúng bây thì chẳng thằng chó nào được như ngày nay! Bây sống bạc lắm! Rồi trời sẽ trả báo, bổ vô đầu bây mỗi thằng một búa chết tươi. Chửi xong Khảm ôm mặt khóc.
Bà Kỳ nạt: "Khảm. Mày không được hỗn!". Rồi thở dài, nói.
- Tiền làm con người ta mờ mắt. Dòng họ, bà con chỉ là dây thòng lọng. Nghĩ đến nó, cậy vào nó, chờ nó nhớ ơn, ban ơn là tự sát. Tự giết mình. Ngày trước, Anh Hai thiếu trước. Má đắp phụ đằng sau. Chị Ba than khổ má cũng dóc hết ruột gan. Cô Tư mày bạc mệnh, má không nói. Chỉ tội cho hai đứa nhỏ. Thằng Sáu, thằng Bảy, thằng Út. Ai má cũng thương, cũng giúp. Giờ, nó coi má như ăn nhờ, ở đậu. Khảm ơi! Sao đời má khổ quá con ơi. Từ nhỏ đã phải nhọc nhằn, lại thất học. Lớn lên gặp chồng phụ bạc. Anh em lừa dối, ganh ghét. Con cháu khinh nhờn. Má ước, má chết quách cho xong con ơi!
Nói đoạn Bà Kỳ lấy tay quệt nước mắt.
Thằng Khảm đập tay xuống bàn, nói:
- Má ở nhà. Con đi làm. Bao giờ có tiền, con về!
- Má tha lỗi cho con. Con bất hiếu lắm! Cũng tại thiên hạ mà con bất hiếu lắm.
Khảm đi làm ở Thành Phố được một tháng. Quen một người bạn phụ hồ chung. Quê ở Bắc Giang, tên Tân. Tân nói: "Này Khảm, ở Việt Nam chả có ăn đâu. Sang Trung Quốc với tao". Khảm lưỡng lự, rồi nghĩ: "Về quê gặp lại họ hàng. Gặp lại những con người bạc bẽo ở đó mà không có tiền, nhục lắm!". Khảm gửi số tiền ít ỏi về cho Bà Kỳ rồi vượt biên. Khảm bị lạc thằng Tân. Kẹt lại bên Trung Quốc, ở đấy tám năm. Trong tám năm đó. Khảm làm trâu, làm ngựa cho bọn người bên đấy. Nó cười trên đầu Khảm, Khảm cắn răng. Nó chửi Khảm bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Khảm chỉ cuối đầu. Đêm xuống, khảm nhìn về phía trời Nam mà khóc thầm. Khảm chỉ cố làm có tiền, thật nhiều tiền để về chữa bệnh cho má.
Tiếng dế đồng nội kêu ri rả khiến lòng Khảm chùng lại. Gió đêm lạnh buốt như dao cứa vào da thịt làm Khảm thoáng rùng mình. Tàn thuốc bay xoắn tít vào nhau như nhảy múa. Khảm đi xuyên dưới làn trăng sáng. Nhà Sáu Long vẫn còn sáng đèn. Khảm bước vội đến nhà mình. Tim đập dồn. Ngôi nhà chẳng còn. Chỉ trơ trọi một đám cỏ voi quá đầu. Khảm rẽ cỏ, vạch lối đi bước sâu vào. Ánh trăng bạc hão huyền làm khung cảnh có phần tĩnh mịch. Ngôi mộ trắng hiện trước mắt Khảm. Khảm nghe tim đập mạnh. Nuốt nước bọt đánh ực. Tay rung rung. Khảm đánh diêm. Dưới Ánh sáng nhập nhoè của đốm lửa. Khảm cũng đọc được dòng chữ. Mộ phần bà: Nguyễn Thư Kỳ.
Di ảnh bà Kỳ hiền từ nhìn Khảm. Trăng soi vào đôi mắt âu yếm của bà. Đôi mắt đó bao dung tình thương, bao lần an ủi, là nghị lực giúp Khảm phấn đấu. Giờ đây, nó đã hoá thiên cổ. Khảm xúc động mạnh. Nằm phũ phụt trước mộ Bà Kỳ mà khóc như mưa.
- Má ơi! Sao má nỡ bỏ con?
---------------------------------------------------------------------------------
Sáu Long rót trà. Nhìn Anh Hai. Chị Ba, xoay sang Khảm cất tiếng:
- Khảm à! Hồi con đi được hai năm thì chị Năm mất. Trước khi nhắm mắt, chị nói: "Sáu. Mày còn thương chị thì chôn chị trên đất này. Thằng Khảm có về mày nói nó đừng buồn. Ai rồi cũng chết. Nói nó gắng sống làm ăn. Đừng thiên vị con cái. Đừng để nó khổ như bà Ngoại."
Sáu Long nhấp ngụm trà, tiếp.
- Cậu biết. Má con muốn nằm đây để giữ cho con mảnh đất này. Cậu...cậu. Cậu có lỗi với má con con lắm, Khảm. Hồi trước, cậu nghĩ tiền thì đủ lấp đầy tất cả. Nhưng khi thấy má mày nhắm mắt. Cậu không còn tham muốn gì nữa. Đời cậu sống chỉ vì tiền. Cậu sai rồi, Khảm ơi!
Anh Hai châm điếu thuốc. Mắt nhìn về phía xa xăm, nói.
- Rồi đây chết. Có đem xuống dưới được cắc nào đâu. Ba dạy tụi mình không được đấu đá! Vậy mà. Tao làm anh, tao không giúp gì được cho em út đã đành, lại còn...! Nói rồi lắc đầu.
Chị Ba thở dài.
- Con Năm. Nó khổ vì anh em mình nhiều lắm.
Khảm gật đầu chào ba người rồi đứng lên. Tay quảy chiếc bị trên vai. Buổi chiều, hoàng hôn cháy thành một vệt đỏ dài ở xa. Vài cánh chim lạc lõng giữa nền trời cao. Ngọn cỏ voi trước mộ bà Kỳ được gió thổi lao xao. Khảm bật diêm, châm thuốc. Sáu Long nhìn theo bóng Khảm. Chỉ thấy một chấm nhỏ lặng lẽ bước từng bước một trên con lộ nhựa về chiều.