Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi nầy muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?"
Đức Khổng Tử nói:
"Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói."
Lời Bàn:
Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.
TU THÂN
Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi.
Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ đi.
Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy.
Cho nên người quân tử trọng thầy, quí bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... Như thế dù muốn không hay cũng không được.
Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế thì dù muốn không dở cũng không được.
Lời Bàn:
Cái đạo tu thân rút lại chỉ có biết theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay, thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. "Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình" có như thế, thì mới tu thân được.
ĐẠO VỢ CHỒNG
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh.
Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi ốm nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lưu thị đến bảo rằng:
- Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người chồng sau.
Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không lấy ai nữa.
Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.
Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.
Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào bảo:
- Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.
Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:
- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết.
Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng:
- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này.
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay. Vua thấy thế, nói:
- Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh.
Lời Bàn:
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không thiết gì đến tì thiếp xinh đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói ghen thường tình, nhưng cũng là vì chung tình với ông, không muốn cùng ai san sẻ mối tình nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng này, chân tình và chí tình, suốt đời kính yêu nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ biết có vợ, chồng một vợ một, không những thoát khỏi cái nạn “đa nhân duyên nhiều đường phiền não” mà còn gây được cái hạnh phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con cháu sau nữa.
(ST)