Bài viết này là chia sẻ của Andreas von der Heydt - trưởng bộ phận và giám đốc nội dung của ứng dụng sách điện tử Kindle tại Amazon ở Đức. Trước đó, anh cũng đã từng nắm giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Amazon và L'Oréal. Ngoài ra, Andreas cũng là một chuyên gia về lãnh đạo và huấn luyện viên về quản trị, sáng lập viên của Consumer Goods Club, đồng thời tham gia chia sẻ các bài viết về nghề nghiệp, công việc dưới dạng một người dùng cá nhân trên trang LinkedIn.
Trong thế giới phức tạp và cực kì năng động như hiện nay, rất nhiều người vội vàng nhảy hết từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, theo đuổi hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác và cố gắng tìm cách để nhồi nhét thêm thật nhiều công việc vào lịch trình của mình, khiến todo list ngày càng dài và chẳng biết bao giờ sẽ hoàn thành hết được chúng.
Đối với họ, quản trị và lãnh đạo giống như việc đến phòng tập gym, phải toát mồ hôi, và tập luyện chăm chỉ để có được "dáng chuẩn". Tuy nhiên, thực tế, họ đang có nguy cơ rất cao trở thành "tù nhân" của các kì vọng quá mức, của những bộ óc hạn hẹp và lao đầu vào công việc mà không suy nghĩ. Họ không dừng lại đủ, họ không nghỉ giải lao và họ không suy nghĩ.
Trái ngược với họ, những lãnh đạo tuyệt vời nhất thường xuyên phân bổ thời gian để suy nghĩ và quán chiếu bản thân (reflection: nhìn lại vấn đề, soi rọi từ bản thân để hiểu rõ tâm tính, cảm xúc của mình...). Ví dụ, Mark Zuckerberg hoặc Bill Gates luôn có "các tuần suy nghĩ" hoặc "những ngày suy nghĩ" hàng năm, bao gồm việc đi bộ, tập thiền, đọc sách và ăn uống lành mạnh.
Bạn có thể vội vàng lập luận rằng bạn không có đủ thời gian để suy nghĩ, bởi vì bạn quá bận và phải làm nhiều việc quan trọng hơn. Trong trường hợp này, hãy để tôi giới thiệu Warren Buffett - nhà đầu tư thành công nhất thế giới, người dành tới khoảng 80% thời gian của mình để đọc và suy nghĩ.
Rõ ràng, nếu một huyền thoại đầu tư có để dành ra ngần đấy thời gian để có được một đặc quyền dành cho việc suy nghĩ, bạn cũng có thể làm vậy. Hãy đọc những cách tiếp cận và kỹ thuật đã được chứng minh hiệu quả dưới đây để có thể tập cho mình thói quen suy nghĩ nhiều hơn.
Hiểu và chấp nhận hoàn toàn rằng bạn có đủ thời gian dành cho hoạt động suy nghĩ là việc vô cùng quan trọng. Biến nó trở thành một phần trong công việc và cuộc sống cá nhân, đồng thời hãy thiết lập nó như một giá trị cốt lõi. Một ngày nào đó trong giai đoạn cuối cuộc đời, khi nhìn lại, bạn sẽ muốn nói rằng bạn đã từng suy nghĩ rất sâu rộng về mọi chủ đề và khía cạnh quan trọng với bạn.
Sẽ luôn luôn có những công việc hay deadline mà bạn cần phải đảm bảo. Đó là thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, để phân bổ đủ thời gian cho việc suy nghĩ, bạn cần đặt ra khung thời gian cố định cho nó: hoặc là làm nó ít nhất một ngày một giờ và/hoặc luân phiên dành những khoảng thời gian quán chiếu bản thân vào đầu tuần. Tất cả đều phụ thuộc vào tính cách và sở thích của bạn. Điều quan trọng ở đây là bạn cần làm nó và đừng để những người khác đánh cắp thời gian suy nghĩ của bạn.
Chơi thể thao và đọc sách là những thứ sản sinh ý tưởng tuyệt vời đối với tôi. Đối với bạn, việc đó có thể là đi bộ đường dài trên núi, chơi đùa với con trẻ hoặc chơi piano. Bất kể nó là gì, hãy tận hưởng thường xuyên, phát triển và giữ gìn nó.
Hoặc là một tuần hoặc là hàng ngày. Thường thường, chúng ta chỉ lên kế hoạch cho những hành động và những mục tiêu kinh doanh cụ thể. Vậy thì từ bây giờ, vào mỗi chủ nhật, hãy biến việc viết tối thiểu 3 mục tiêu kích thích suy nghĩ cho tuần tiếp theo trở thành một thứ cần được ưu tiên của bạn.
Tiếc là rất nhiều người trong chúng ta đã quên việc đặt câu hỏi như thế nào. Một số khác lại rất lười đưa ra các câu hỏi. Hoặc đôi khi chúng ta có thể sợ làm vậy. Tuy nhiên, đừng như thế nữa, hãy đặt ra hàng loạt các câu hỏi như tại sao, tại sao không, liệu rằng, nếu không như thế, còn gì khác, như thế nào, khi nào, ai, bởi ai, từ khi nào để khai phá dòng chảy sáng tạo của bạn.
Những nhà tư tưởng (thinker) yêu việc "ăn" thông tin, dữ liệu, các câu chuyện... Càng nhiều, càng tốt. Bạn hiện đang đọc cuốn nào? Rất nhiều người trong số họ đọc 2 - 3 cuốn sách cùng lúc và nhiều thể loại như sách hư cấu (như tiểu thuyết, văn học...), sách phi hư cấu (tâm lý, kinh doanh, triết học...), tiểu sử. Gì cũng được. Và nhân tiện, không nhất thiết là phải đọc mọi quyển sách từ đầu đến cuối.
Hãy đảm bảm rằng một hoặc hai lần một tuần, bạn dành ra 10 đến 15 phút để đánh giá lại liệu những hoạt động suy nghĩ hàng ngày của bạn và lịch tổng thể có khớp với những mục tiêu của bạn không? Nếu không, hãy dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ tiếp.
Trở nên thành công trong cuộc sống không đơn thuần chỉ là làm việc chăm chỉ. Công việc (sự nghiệp, tài sản) chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống. Có những lĩnh vực quan trọng khác cần nhận được sự quan tâm đầy đủ và thường xuyên để có được một cuộc đời viên mãn với đủ thời gian để suy nghĩ: khía cạnh xã hội (gia đình, bạn bè, sự ghi nhận), khía cạnh sức khỏe (thể thao, nghỉ dưỡng, ăn kiêng, sống hạnh phúc và khỏe mạnh) và SUY NGHĨ như là một phần của khía cạnh tinh thần (sự viên mãn, tôn giáo, tình yêu và triết học).
Việc có đủ thời gian để suy nghĩ phần lớn là chuyện bạn tự quản lý bản thân tốt tới đâu và chịu toàn bộ trách nhiệm về cuộc đời mình. Bạn có thể và bạn phải "siêu chủ động" trong suy nghĩ, sáng tạo, quản lý và sống cuộc đời bạn. Không một ai có thể và sẽ giúp bạn làm các việc đó.