Theo truyền thuyết, hoàng hậu Ma Da nằm chiêm bao thấy voi trắng sáu ngà ngậm một cành hoa sen đi vào hông phải của bà, từ đó bà thọ thai.
Gần đến ngày sinh, theo tục lệ của người Ấn lúc bấy giờ, bà trở về quê mẹ để hạ sinh. Nhưng trên đường trở về, khi đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni, bà ghé vào nghỉ ngơi, thấy một đóa hoa vô ưu đang xoè nở trên cành, bà đưa tay phải với hái, ngay lúc ấy thái tử chào đời.
Đấy là ngày trăng tròn tháng Tư của Ấn Độ. Thái tử Tất Đạt Đa từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, văn võ toàn tài. Năm mười sáu tuổi sánh duyên cùng vương phi Da Du Đà La, sinh hạ một con trai đặt tên là La Hầu La.
Khi ấy, thái tử đã thấu hiểu lẽ vô thường của cuộc đời, biết rằng con người không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn khổ đau của sinh, lão, bệnh, tử… nên quyết chí xin vua cha cho phép xuất gia tu đạo, nhằm tìm cho mình và người một con đường giải thoát đích thực, một nẻo về an lạc vĩnh cửu.Vua cha không cho phép nên vào một đêm thanh vắng, Ngài Thích Ca đã âm thầm cưỡi ngựa Kiền Trắc, cùng người hầu là Xa Nặc vượt khỏi hoàng thành.
Khi ấy, thái tử đã thấu hiểu lẽ vô thường của cuộc đời, biết rằng con người không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn khổ đau của sinh, lão, bệnh, tử… nên quyết chí xin vua cha cho phép xuất gia tu đạo, nhằm tìm cho mình và người một con đường giải thoát đích thực, một nẻo về an lạc vĩnh cửu.Vua cha không cho phép nên vào một đêm thanh vắng, Ngài Thích Ca đã âm thầm cưỡi ngựa Kiền Trắc, cùng người hầu là Xa Nặc vượt khỏi hoàng thành.
Ngài Thích Ca dừng chân bên bờ sông Ni Liên Thiền, cạo bỏ râu tóc, cởi hết châu ngọc trên người giao cho Xa Nặc mang về, rồi một mình đi vào rừng sâu tìm thầy học đạo. Vua Tịnh Phạn đã nhiều lần sai người đi tìm nhưng thái tử nhất định không trở về. Ngài đã chọn con đường xuất gia khổ hạnh, tinh tấn tu tập thiền định để mong giác ngộ chân lý, tìm cứu cánh cho nhân sinh thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Ngài tìm thầy học đạo trong năm năm, đã chứng đạt đến những tầng thiền cao nhất mà các vị thầy khi ấy có thể chứng được nhưng vẫn chưa tìm ra được chân lý, cuối cùng ngài từ giã các vị thầy, một mình thực hành con đường thiền định và khổ hạnh. Ngài tu khổ hạnh sáu năm, cơ thể ốm gầy, một hôm hôn mê ngã trên đất vì kiệt sức.
Một người con gái chăn cừu nhìn thấy ngài hôn mê ngã trên đất, đã dâng lên một bát sữa. Ngài dùng bát sữa, khôi phục lại tinh thần và chợt hiểu rằng khổ hạnh ép xác sẽ khiến con người kiệt sức, đầu óc không minh mẫn, không thể tư duy sáng suốt để tìm ra con đường giải thoát.
Hưởng thụ không đưa đến giải thoát, khổ hạnh cũng không đưa đến giải thoát, cuối cùng ngài Thích Ca chọn con đường dung hòa hai cực đoan ấy, tức là con đường trung đạo, mỗi ngày ăn một bữa cơm vừa đủ no để duy trì mạng sống, tiếp tục tu tập .
Trong thời gian ngài Thích Ca tu khổ hạnh có quen với năm người bạn, họ rất thán phục tinh thần khổ hạnh của ngài, nhưng từ khi thấy ngài nhận bát sữa và ăn uống trở lại, họ cho rằng ngài đã thoái tâm, họ chán nản bỏ ngài ra đi.
Dù bị bạn bè xa lánh, ngài vẫn không nản chí. Một hôm, ngài đến bên dòng sông Ni Liên Thiền, ngồi xuống bên gốc cây bồ đề có tán lá xum xuê, lập lời thề nguyện: “Nếu không thành đạo quyết không rời khỏi nơi này!”
Sau 49 ngày nhập định dưới cội bồ đề, ngài đã thành đạo và chứng đạt quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, khai mở con đường giải thoát sanh tử luân hồi cho nhân loại. Từ đó bước chân ngài in dấu khắp lưu vực sông Hằng, những bài thuyết pháp của ngài đã vượt khỏi Ấn Độ, vượt không gian, vượt thời gian và hôm nay đã có mặt trên khắp quả địa cầu .
(ST)
CHÚC CÁC BẠN & GIA ĐÌNH NĂM MỚI VUI KHOẺ, BÌNH AN, HẠNH PHÚC