Nhiều khi, không phải người khác coi thường bạn, gây khó dễ cho bạn, mà là do bạn quá tệ, khiến người ta không hài lòng. Vậy nên, thái độ của người khác chính là tấm gương phản chiếu chính bản thân bạn.
Một người địa chủ giàu có gặp một người nghèo, người địa chủ nói với người nghèo: “Ta đây có tiền, tại sao ngươi không tôn trọng ta?”.
Người nghèo trả lời: “Ông có tiền thì có quan hệ gì đến tôi? Vì sao tôi phải tôn trọng ông?”
Người địa chủ nói: “Ta chia một nửa tài sản của mình cho ngươi, thì ngươi sẽ tôn trọng ta chứ?”.
Người nghèo trả lời: “Ông chia cho tôi một nửa tài sản, tôi và ông sẽ như nhau, vì sao tôi phải tôn trọng ông?”.
Người địa chủ nói: “Vậy ta cho người toàn bộ tài sản thì sao?”.
Người nghèo nói: “Vậy thì tôi lại càng không tôn trọng ông, bởi vì tôi là người giàu có, còn ông là kẻ nghèo khổ”.
Đây mặc dù là một truyện cười, nhưng lại giúp chúng ta hiểu ra một đạo lý: Nếu bạn muốn được người khác tôn trọng, thì phải có những thứ khiến người khác tín phục. Đó chính là phẩm đức, tình cảm, ý chí, những kỹ năng và năng lực có được qua sự rèn giũa hàng ngày.
Hàn Tín – Đại danh tướng của nhà Hán trước khi thành danh, từng lang thang ở đầu đường xó chợ, cũng từng muốn tự tử để kết thúc cuộc đời nhàm chán vô vị của mình. Một bà lão giặt vải ở bờ sông vì thương hại anh ta, nên mỗi ngày đều để dư ra một bát cơm mang đến cho anh ta ăn, cứ liên tục như vậy mấy chục ngày.
Hàn Tín ăn no xong, dõng dạc hùng hồn trở lại, nói với bà lão rằng, sau này nhất định sẽ báo đáp ân đức của bà. Bà lão vừa nghe xong, đột nhiên giận dữ nói: “Ta vì thương hại mới mang cơm cho ngươi ăn, đàn ông không tự nuôi nổi mình, mà lại nói đến báo đáp người khác ư!”. Những lời này đại ý là, nam tử hán đến tự lập còn không thể, mà lại còn vọng tưởng đến báo đáp người khác, quả là thật nực cười!
Những lời giáo huấn có thể nói là rất tuyệt tình từ một bà lão nghèo khổ ốm yếu, đối với một nam tử hán như Hàn Tín mà nói thì quả thực là nhục nhã vô cùng. Nhưng mà, đây cũng chính là một cái gậy cảnh tỉnh, lôi Hàn Tín ra khỏi sự hoang mang tuyệt vọng, khiến anh ta bắt đầu có nguyện ý mãnh liệt, muốn thay đổi hiện trạng của mình.
Tư tưởng gia Lữ Khôn đời nhà Minh từng nói:
“Nghèo không có gì phải hổ thẹn, điều đáng xấu hổ là nghèo mà vô chí”.
Nếu là một người thiếu ý chí, thì chỉ là khoe khoang khoác lác, không có thực lực thật sự, đến mình cũng không tự lo nổi, thì sao có thể nói đến chuyện có thể làm gì cho người khác.
Nhiều khi, không phải người khác coi thường bạn, gây khó dễ cho bạn, mà là do bạn quá tệ, khiến người ta không hài lòng.
Hàn Tín là nhờ thái độ của bà lão, mà mới vực dậy được tinh thần, nỗ lực phấn đấu, gian nan khổ luyện, kết quả đã trở thành đại tướng quân nhà Hán với công danh hiển hách, và cuối cùng đã báo đáp được ân đức của bà lão.
Chúng ta thấy rằng ông ta thật may mắn, nếu bà lão chỉ ôn nhu hiền thục, nói với Hàn Tín những câu thật nhẹ nhàng như "Ngươi cần phải làm việc”, “ngươi cần phải cố gắng”..., thì chưa chắc Hàn Tín có thể tìm được mục tiêu của cuộc đời và bắt tay vào thực hiện nó nhanh đến vậy?
Người làm việc không suôn sẻ thường rất mẫn cảm, luôn để ý đến thái độ người khác đối với mình, thường vì vậy mà suy tính thiệt hơn. Trong thực tế, có nhiều lúc chúng ta sẽ gặp những người mà không mấy thân thiện với mình. Vậy điều tốt nhất chúng ta nên làm, chính là: Kiểm soát lại toàn bộ những cảm xúc của mình, dọn bỏ hết tất cả nghi kỵ và ý nghĩ tiêu cực của bản thân, chỉ giữ lại những lời khuyên và sự khích lệ.
Bị người khác chê cười là điều không mấy dễ chịu, nhưng không thể tránh né. Vì thế biện pháp tốt nhất chính là tiêu hóa nó một cách hữu hiệu, biến nó trở thành một nguồn kích thích giúp bạn khai phá cục diện, xoay chuyển tình thế để bắt đầu cuộc hành trình mới.
(ST)