Tác giả có tác phẩm bán chạy của tờ New York Times T.A. Barron đã dành nhiều thập kỷ vào việc tạo dựng hình ảnh huyền diệu của vị phù thủy Merlin và chia sẻ sự thông thái của mình với trẻ em và thanh thiếu niên qua loạt truyện 12 quyển Merlin Saga được công chúng rất yêu mến. Giờ đây, ông nhờ đến nhân vật nổi tiếng (và được tôn kính) của mình để trả lời một câu hỏi mà bất cứ ai đang trải qua một sự thay đổi lớn trong cuộc đời, ở một mức độ nào đó, cũng muốn hỏi.
Trong một video trên YouTube, Barron đã nói rằng "Tôi đã viết rất nhiều sách về Merlin đến nỗi đôi khi, tôi cảm thấy như mình đã thực sự được gặp vị phù thủy vĩ đại đó – và ai biết được, có lẽ tôi đã gặp rồi. Nếu tôi gặp Merlin trong hang động trong suốt của ngài, tôi sẽ hỏi ông chỉ một câu: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Và nếu cuộc sống thật có ý nghĩa, làm thế nào tôi có thể tìm thấy nó?"
"Bài tập" nhỏ về suy nghĩ này đã truyền cảm hứng cho một bài phát biểu nổi tiếng tại Đại học Oxford vào năm 2013 và rồi nó lại thôi thúc ông cho ra đời một cuốn sách mới với tựa đề The Wisdom of Merlin: 7 Magical Words for a Meaningful Life (Tạm dịch: Trí tuệ của Merlin: 7 từ kỳ diệu cho một cuộc sống ý nghĩa). Trong tác phẩm, Barron đã giải thích làm thế nào mỗi người có thể tìm và đi theo con đường của riêng mình trong cuộc sống qua lời của Merlin. Ông tiết lộ cách mà điều kỳ diệu luôn bao quanh và sống trong mỗi con người – chúng ta chỉ cần sẵn lòng để tìm kiếm chúng.
Dựa trên những đoạn trích từ sách của Barron, đây là bảy từ kỳ diệu nắm giữ chiếc chìa khóa của một cuộc sống có ý nghĩa – và thêm một từ thúc đẩy cả 7 từ kia mà chúng ta cần biết.
Sống thực thụ là phải biết ơn – từng hơi thở của chúng ta, từng bài hát ta hát, từng người ta yêu thương, từng ngày ta khám phá. Chỉ khi biết ơn thì chúng ta mới chú ý và trân trọng tất cả mọi phước lành và cơ hội.
Mỗi ngày, hãy dành một chút thời gian để tạ ơn, để biết yêu một người, một nơi hoặc một ý tưởng đã chạm vào trái tim của bạn. Hãy trân trọng những phước lành mà bạn đã may mắn được nhận qua tất cả các mùa trong năm và trong cuộc sống.
Bạn thấy đấy, cuộc sống có thể có ý nghĩa rất lớn – nhưng chỉ khi chúng ta khám phá ra ý nghĩa đó cho bản thân mình. Ý nghĩa không thể được mua tại bất kỳ cửa hàng nào và nó cũng nó không thể được truyền lại như một chiếc áo khoác mà ai đó nói rằng bạn sẽ thật hoàn hảo với chiếc áo thậm chí trước khi bạn thử mặc nó lên. Ý nghĩa phải được tìm kiếm, giành được và biến nó thành thứ của chính mình. Tất cả đều đòi hỏi sự can đảm.
Hãy dũng cảm lên! Sống mạnh mẽ nhưng vẫn nhẹ nhàng, biết hưởng thụ nhưng vẫn đầy quan tâm. Khám phá mọi điều bạn gặp. Yêu thương hết thảy, một cách chân thành và tự do thể hiện cảm xúc của mình. Chạy thật nhanh nhưng cũng đừng quên phải bước thật chậm.
Kiến thức, điều đáng ngạc nhiên là, bắt đầu từ hư không. Với việc chấp nhận sự hạn hẹp trong kiến thức của mình và một chút khiêm nhường, tôi đã học được rằng, kiến thức có thể cứu tôi khỏi đại dương của sự kiêu ngạo! Sau đó, bằng cách kết hợp với trí tò mò... một người có thể học hỏi và phát triển không ngừng trong suốt cuộc đời của họ.
Có hai vũ trụ để khám phá – một là ở bên trong chính bạn, hai là ở bên ngoài. Và đây là phần đặc biệt nhất: bạn khám phá từng vũ trụ được bao xa và bạn khám phá được những gì, hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Đi theo đức tin của mình, như một dòng sông chảy ra biển – và bạn sẽ thấy mình đang hòa mình vào những làn sóng êm dịu của đại dương tâm linh bao quanh tất cả chúng ta. Bơi trong con biển đó là ta đã hòa nhập vào một sức mạnh lớn hơn, một nhận thức sâu hơn, một chân lý cao hơn. Và cũng là... một niềm vui tuy nhẹ nhàng nhưng rất bền vững.
Chỉ cần nhớ: Để niềm tin của bạn là đúng, không có nghĩa niềm tin của những người khác đều phải sai! Nếu bạn thật chắc chắn về đức tin của riêng bạn, thật sự được lay động bởi sự thông thái và sức mạnh của nó – vậy thì bạn không cần phải cải tạo niềm tin của bất cứ ai cả.
Tò mò là trí tuệ cốt lõi của một đứa trẻ, một trí tuệ rộng mở cho những điều tuyệt diệu, bởi vì, trẻ em nhìn thế giới một cách tươi mới, với tất cả mọi vẻ đẹp và điều kỳ lạ, bí ẩn và say mê của nó.
Tò mò là chìa khóa mở ra cánh cửa của trí tưởng tượng và điều đó dẫn đến những cánh cửa khác – trân trọng, sáng tạo, và nỗ lực.
Cốt lõi của trí tò mò là sự cởi mở – hãy sống với tất cả các giác quan của bạn. Nếu bạn cố ý muốn đi tìm trí tò mò, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó. Thay vào đó, hãy cởi giày ra, đi chân đất trên đường đời của mình... và cho phép nó tìm đến bạn.
Rộng lượng không phải là cho người khác những gì họ muốn. Thay vào đó, nó là cho đi những gì chính bạn muốn. Chia sẻ đòi hỏi sự đồng cảm. Vì vậy, việc làm một món quà rồi trao cho người khác chỉ là một phần nhỏ của rộng lượng. Đó là kết quả nhìn thấy được của một món quà trước đó, món quà vô hình từ trái tim.
Hãy ươm mầm một vài hạt giống rộng lượng vào cuộc đời bạn. Phải – những hạt giống có khả năng phát triển thành cây mà bạn có thể không bao giờ nhìn thấy và dưới bóng râm của nó sẽ tập hợp con người và sinh vật mà có thể bạn sẽ không bao giờ gặp. Họ sẽ tìm thấy niềm vui và sự an toàn và lời an ủi dưới những tán cây đó... và họ sẽ cảm ơn người đã làm cho những điều đó xảy ra.
Hy vọng đòi hỏi lòng can đảm. Đặc biệt là trong thế giới khó khăn này của chúng ta, khi rất nhiều người bị che lấp bởi bóng tối của sự tuyệt vọng thì hy vọng trông có vẻ hơi xa vời. Hoặc thậm chí là điều không thể. Tuy nhiên, hy vọng có thể quay trở lại, trong âm thầm, khi cần thiết nhất.
Sự hoài nghi là kẻ thù của niềm hy vọng, luôn luôn nghi ngờ rằng sự tiến bộ (hoặc thậm chí đức hạnh) là điều không thể. Nhưng tư duy sáng tạo lại là đồng minh của hy vọng, nhắc nhở chúng ta về cách chúng ta có thể làm tốt hơn.
Hãy thổi lên đốm than hồng của niềm hy vọng trong chính bạn và biến chúng thành những ngọn lửa. Vì đó là nơi các sự sống mới sẽ bắt đầu.
Và một từ sẽ thêm sức mạnh cho tất cả:
Tình yêu là một lời mời, chứ không phải là một mệnh lệnh. Nhưng nếu bạn thực sự mở lòng mình đến với sức mạnh của nó, bạn sẽ bị cuốn trôi như khi bạn rơi vào một dòng sông hùng vĩ. Và nơi dòng sông đó đưa bạn đến thì không ai có thể dự đoán được.
Nghịch lý của tình yêu là nó vẫy gọi chúng ta đi sâu vào bên trong bản thân mình để tìm ra sự thấu hiểu tâm hồn của một người khác. Nhưng một khi sự hiểu biết đó được tìm thấy, bạn sẽ được kết nối với người đó để khám phá bản thân mình sâu hơn. Rõ ràng, cả trong lẫn ngoài, ta đều có hiểu biết rất sâu sắc.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Greater Good Science Center thường được xem như là "khoa học về sự hạnh phúc" (cience of happiness) đi kèm với tagline là "Khoa học về một cuộc sống có ý nghĩa" (The Science of a Meaningful Life). "Có ý nghĩa" và "hạnh phúc" – liệu chúng có sự khác biệt?
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng sự khác biệt có tồn tại. Bằng cách tiến hành điều tra khoảng 400 cư dân Mỹ trong một nỗ lực làm rõ hai khái niệm "ý nghĩa" và "hạnh phúc", Tạp chí Positive Psychology (nghiên cứu về tâm lý tích cực) đã nhận thấy có một sự chồng chéo đáng kể giữa chúng – nhưng vẫn nổi lên một số điểm khác biệt cốt lõi.
Dựa trên các điều tra này, chẳng hạn, cảm thấy tốt và các nhu cầu được đáp ứng dường như gắn chặt với hạnh phúc nhưng không liên quan tới ý nghĩa. Những người hạnh phúc dường như đắm chìm với khoảnh khắc hiện tại, chứ không phải quá khứ hay tương lai, trong khi đó, ý nghĩa có vẻ liên kết cả 3 thời điểm này trong cuộc đời. Mọi người chuyển hóa ý nghĩa (không cần thiết phải là hạnh phúc) bằng việc giúp đỡ người khác – trở thành một "người cho" (Giver) – trong khi hạnh phúc (không cần thiết phải có ý nghĩa) lại được bắt nguồn từ việc trở thành "người nhận" (Taker).
Và trong khi tất cả các kết nối xã hội đều quan trọng đối với cả ý nghĩa lẫn hạnh phúc thì kiểu kết nối này mới là vấn đề: dành thời gian cùng bạn bè quan trọng để hạnh phúc chứ không phải ý nghĩa, trong khi ở cạnh những người thân yêu (thuộc về gia đình) lại mang đến cảm giác ý nghĩa chứ không phải chỉ là hạnh phúc đơn thuần.
Một nghiên cứu khác được xuất bản trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences) đưa ra đề xuất rằng những sự khác biệt này đều có mối quan hệ mật thiết với sức khỏe của chúng ta. Khi Barbara và Steve Cole so sánh các tế bào miễn dịch của người sống "hạnh phúc" và người sống "ý nghĩa và có cảm giác tốt về định hướng" thì nhóm người thứ hai dường như có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn rất nhiều.
Một trong những phát hiện có ý nghĩa nhất khiến khoa học về hạnh phúc và lòng vị tha khởi phát đó chính là: lòng vị tha thúc đẩy cảm giác hạnh phúc. Dành thời gian với những người khác khiến chúng ta hạnh phúc hơn là ở một mình – ít nhất là điều này cũng đã được chứng minh bởi các cư dân Mỹ giàu có tham gia nghiên cứu.
Một bài viết khác đăng trên Tạp chí Personality and Social Psychology (Tâm lý học xã hội và tính cách) cũng chỉ ra rằng kết luận này vẫn đúng ngay cả ở những đất nước mà việc chia sẻ với người khác lại trở thành mối đe dọa tới sự tồn tại của người nào đó.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra dữ liệu của hơn 200 nghìn người đến từ 136 quốc gia – họ đã xác định được rằng việc làm từ thiện vào tháng trước sẽ tăng cường sự hạnh phúc "ở hầu hết các quốc gia và tất cả các vùng miền trên thế giới", vượt qua các rào cản về văn hóa và mức độ giàu nghèo về kinh tế. Nó cũng đúng bất kể liệu ai đó nói rằng họ đang gặp vấn đề trong việc dự trữ thực phẩm cho cả gia đình vào năm trước.
Khi các nhà nghiên cứu tập trung vào 3 nước có nhiều cấp độ rõ rệt về giàu nghèo là Canada, Uganda và Ấn Độ thì họ thấy rằng những người có hạnh phúc lớn hơn thường gợi nhớ lại thời điểm mà họ cho người khác tiền hơn là tiêu xài cho chính mình. Và trong một nghiên cứu so sánh giữa Canada và Nam Phi thì mọi người có cảm giác hạnh phúc hơn sau khi làm từ thiện hơn là mua cho họ một bữa ăn, mặc dù họ không hề nhận được lợi ích gì từ sự hào phóng đó cả. Điều này đã khơi dậy trong các nhà nghiên cứu một đề xuất rằng hạnh phúc của họ không xuất phát từ việc cảm thấy các kết nối xã hội được tăng cường hay danh tiếng được cải thiện mà là từ bản năng đã ăn sâu vào trong mỗi người.
Thực tế, các chuyên gia tranh cãi rằng, những lợi ích của lòng vị tha xét về mặt cảm xúc có tính phổ biến là một sản phẩm của sự tiến hóa, một hành vi được duy trì mà "có lẽ sẽ bao gồm các chi phí ngắn hạn nhưng lại có lợi ích lâu dài cho sự sống trong suốt lịch sử tiến hóa của nhân loại".
Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Psychological Science nhận thấy những người dành 8 tuần tham gia khóa học thiền chánh niệm có nhiều khả năng đáng kể hơn những người không tham gia trong việc nhường chỗ ngồi của mình cho ai đó phải đi bằng nạng, đồng thời cũng sẵn sàng giúp đỡ người lạ tiền bạc khi họ cần hơn (theo một nghiên cứu được thực hiện sau đó). Sau khi kết thúc khóa học, nhóm tập thiền cũng thể hiện rõ những thay đổi trong hoạt động của não bộ bao gồm cả việc hiểu thấu nỗi đau của những người khác.
Gen có liên quan gì đến số phận? Chúng có ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe và hành vi của mỗi người. Tuy nhiên, càng có nhiều nghiên cứu còn tiết lộ về mối quan hệ hai chiều: sự lựa chọn của chúng ta cũng có ảnh hưởng tới hoạt động của các gen.
Vào năm 2013, một dự án hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của Pháp, Tây Ban Nha và Đại học Wisconsin đã nhận ra rằng những người có kinh nghiệm tập thiền sẽ có khả năng làm dịu các gen mà thường khiến cơ thể bị kích động khi bị stress.