Lễ Phật Đản là một ba ngày lễ quan trọng trong năm của những người theo đạo Phật, đây là ngày để tưởng nhớ đến Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Trong ngày đại lễ, hầu hết những người theo đạo Phật thường làm những việc như không sát sinh, chỉ ăn chay, phóng sinh những loại như ốc, chim bồ câu, lươn... Và làm những việc thiện nguyện giúp mọi người.
Bên cạnh lễ Vu Lan và Thành Đạo thì không thể không nhắc tới ngày lễ Phật Đản, đây là ba ngày lễ lớn nhất trong năm của những người theo đạo Phật.
Trước năm 1959, hầu hết các nước ở Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản này vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng đến ngày 25/5 đến 8/6/1950 tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan), gồm 26 nước thành viên tham gia lại đưa ra ý kiến và thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).
Và bắt đầu từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới và của toàn nhân loại. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Nguồn gốc
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Chính vì thế, lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Ý nghĩa
Cũng như các lễ hội quan trọng khác, lễ Phật Đản là ngày mà những người theo đạo Phật kỷ niệm ngày sinh của đấng giáo chủ, lễ Phật đản còn là cơ hội cho các Phật tử ôn lại cuộc đời của Đức Phật nhằm khích lệ nghị lực của người con Phật trên lộ trình tu tập.
Là dịp cho người Phật tử bày tỏ lòng thành kính của mình đối với bậc giáo chủ vẹn toàn và đầy uy đức. Sự tôn vinh đức Phật, một lần nữa tô đậm lên dòng sông tâm thức dấu ấn tôn kính và phục tùng của người tín đồ, không để cho hình ảnh của Phật phai mờ trong tâm trí.
Là cơ hội để người Phật tử khẳng định giá trị của Phật và lập trường tôn giáo của mình đối với mọi người. Từ đó nói lên giá trị tinh thần, lý tưởng mà một người theo đuổi trong suốt cuộc đời.
Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Nghi thức thường làm
Trên Thế giới cũng như ở Việt Nam, ngày lễ Phật Đản luôn được tổ chức rất trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính thức vào ngày rằm tháng 4, thì giáo hội khắp nơi còn tổ chức các cuộc diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp cho các phật tử, xen kẽ đó là các buổi diễn văn nghệ, đèn lồng làm lễ dài tổ chức...
Bên cạnh những việc làm như thả đèn hoa đăng và diễn văn nghệ thì những Phật tử trong ngày này còn tuyệt đối không được sát sinh, mọi người đều ăn chay, rọn dẹp nhà cửa cũng như trang trí lại nơi thờ Phật cho đẹp và trang trọng nhất. Các phật tử cũng có thể đến chùa để phụ giúp các sư thầy làm công quả, nghe các bài giảng về cuộc sống, tự vấn lương tâm về những hành động của bản thân để giúp tâm hồn được thanh tịnh.
Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.