(Truyenhaymoingay) Tôi không biết mình nên cảm ơn hay oán ghét Thanh Hải vô thượng sư, vì bà ta mà tôi có được nàng mà cũng vì bà ta mà tôi phải mất nàng.
***
Cơn lốc vô thượng sư càn quét vào Việt Nam với cường độ, cấp độ lớn. Ở thành phố, trình độ dân trí cao, ảnh hưởng không mấy, nhưng ở thôn quê, sau luỹ tre làng, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, sức ảnh hưởng thật sâu nặng. Lứa tuổi bị tác động và lôi cuốn mạnh nhất là thanh niên, thanh nữ mới lớn. Ở tuổi này, con người ta hay hướng đến những lý tưởng cao xa, gây dựng nên bao ước mộng đẹp, sống hết mình để thực hiện những lý tưởng, ước mộng đó.
Trong tâm thức của người Việt, Phật là bậc chí tôn, vô thượng, là hiện thân của Chân, Thiện, Mỹ, là khát vọng tu hành, vươn lên của bao kiếp người. Lần đầu tiên, một người Việt Nam được "thế giới" tôn vinh là Phật sống, là bậc vô thượng sư, mà lại là một người đàn bà, niềm kiêu hãnh ấy đánh mạnh vào khát vọng tâm linh của mỗi người.
Một hôm, Tân, thằng bạn thân hay cặp kè đi chơi chung với tôi, đến rủ : "Tối nay, ở thôn Đông tổ chức buổi sinh hoạt, có chiếu băng hình bà Thanh Hải Vô Thượng Sư thuyết pháp, hay lắm. Ngoài Đức Như Lai, trở thành Phật khi đang còn sống, bà này là người thứ hai đấy. Mày thích thì tối đi với tao".
Tôi là người ham chuyện lạ, liền sốt sắng đồng ý, hẹn nó cùng đi chơi.
Tối ấy, hai đứa đến điểm hẹn thì thấy hơn chục người quây quần bên bàn uống nước, say mê theo dõi chương trình đang chiếu trên màn hình. Biết mình đến trễ, tôi giữ phép lịch sự, im lặng ngồi chen vào chỗ trống. Khi đã yên vị, tôi phát hiện thấy mình ngồi hơi quá sát một cô gái. Một mùi hương dìu dịu, thoang thoảng toả ra từ người nàng xâm chiếm lấy tôi.
Trên màn hình, người đàn bà mà mọi người ở đây tôn trọng gọi là Cô đang thao thao bất tuyệt rao giảng về " Lục độ Ba la mật". Tôi là người tiếp xúc kinh Phật từ nhỏ, từng được nghe nhiều bậc Chân sư giảng về "Lục độ Ba la mật" này, nay nghe Cô giảng, không có gì mới lạ nên không chú ý lắng nghe. Tôi bắt đầu đưa mắt dò xét và đánh giá từng người xung quanh. Hình như biết có người đang nhìn trộm mình, cô gái ngồi bên chợt ngoảnh đầu lại mỉm cười với tôi. Tôi sững người, đầu óc dường như quay cuồng...
Trời đất quỷ thần ơi! Phải chăng "Nhất tiếu khuynh thành, nhất tiếu khuynh quốc" là đây. Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Kim Dung tả về người đẹp, người đẹp trong tác phẩm của ông thật nhiều, thật đa dạng. Nhưng ông chỉ nói chung chung là họ đẹp chứ ít đi sâu vào miêu tả chi tiết từng dáng người, nước da, cái răng, cái tóc....Tác phẩm văn học tả về người đẹp mà tôi tâm đắc nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Chỉ vài dòng: "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da" lột tả thần tình được cái vẻ thuỳ mị, nết na của nàng Thuý Vân đang tuổi xuân thì. Đến đoạn tả Thuý Kiều thì tác giả không đi vào chi tiết, chỉ dùng biện pháp so sánh, nói Kiều sắc sảo hơn Vân, mặn mà hơn Vân. Cái sắc sảo, mặn mà ấy nếu ví Vân là một con gà thì Kiều là con Phượng trong đám gà.
Người con gái đang ngồi bên không phải là một nàng Kiều bằng xương, bằng thịt mà tôi hằng ao ước gặp được trong đời đây sao!? Trước nàng, tôi lóng ngóng, vụng về như đứa trẻ đòi ăn quà. Vẻ đẹp của nàng dưới cái nhìn của thẩm mỹ học thì rất xinh. Này nhé: vóc người thì mình hạc xương mai, nước da trắng ngà, gương mặt hình trái xoan, mắt phượng mày ngài, tóc thề xoã ngang vai, môi chúm chím cười tươi như hoa đào để lộ ra hàm răng đều tăm tắp. Ánh mắt nàng thăm thẳm như nước hồ thu làm đắm đuối kẻ phong tình là tôi...
Nhưng tả như thế chi bằng không nên tả. Đôi lúc, tôi đồng ý với quan điểm của Kim Dung, thấy người đàn bà đẹp thì khen họ đẹp, còn tham lam đi sâu vào miêu tả từng chi tiết thì phải dùng bao nhiêu ngôn từ để diễn tả cho hết, cho đúng. Vẻ đẹp của người phụ nữ thiên kiều bá mỵ. Trong rừng hương sắc ấy, từng đoá, từng đoá...mỗi người chúng ta lại có nhiều cách cảm nhận khác nhau.Sự yêu kiều của người đàn bà đẹp có thể nói là không thể dùng ngôn từ diễn giải được, là "bất lập văn tự".
Kể từ khi gặp được nàng, tôi lập nguyện trong lòng: đời tôi phải có nàng, nếu không thì sống uổng kiếp làm người. Để kề cận bên nàng, tôi bất đắc dĩ trở thành tín đồ ngoan đạo của Cô.
Tôi thường xuyên lui tới nhà nàng. Nàng tên là Hoan. Cha mất sớm, nàng ở với mẹ và người chị gái. Cả hai người đều theo đạo của Cô như nàng. Nàng tâm sự với tôi, cuộc đời nàng bất hạnh, mất mát nhiều. Nhiều lúc chán nản muốn bỏ phắt tất cả, vào chùa đi tu nhưng sợ giới luật nhà chùa khắc khổ, không kham nổi. Nay Cô gặp cơ duyên đắc đạo thành Phật, biến tướng Phật giáo, thiện nam tín nữ theo đạo của Cô có thể sống thoải mái cuộc đời trần tục nhưng vẫn tu hành đắc đạo thành Phật. Nàng hoàn toàn tin tưởng ở Cô và tu theo Cô.
Thấy tôi hiền lành, chân chất, lại có ý tiếp cận tìm hiểu Hoan, mẹ và chị nàng rất mừng, cố ý vun vén cho hai đứa. Hoan dường như cũng đón nhận tình cảm của tôi. Qua tìm hiểu, tôi biết trước đây có rất nhiều đối tượng đến với nàng, khi nàng tuyên bố chỉ chung sống với kẻ nào tuân thủ giới luật tu hành cùng nàng thì nhiều chàng phải bỏ số de. Trong đó có một chàng thề sống thề chết lấy cho được nàng nhưng người trong gia đình nhà chàng trai nhất quyết ngăn cản. Cuối cùng, không chịu nổi áp lực từ gia đình, chàng ta đành bỏ cuộc.
Tôi xác định lại tình yêu của mình dành cho nàng, biết rằng đến với nàng, tôi sẽ gặp nhiều phong ba bão táp trong cuộc đời. Để có được nàng, dẫu có vào núi đao biển lửa, tôi cũng nguyện cam lòng. Và cũng đúng như tôi đã dự liệu, tôi cưới nàng trong sự hờ hững, lạnh lùng của gia đình, sự chê trách của dòng họ. Chúng tôi đến với nhau đúng là trong tình cảnh "một túp lều tranh, đôi trái tim vàng".
Vùng quê tôi ở thuần sản xuất nông nghiệp, theo giới luật của Cô thì trong nhà tuyệt không được nuôi gia súc, gia cầm nào. Không nuôi trâu bò heo gà thì lấy đâu ra phân để bón ruộng. Sống ở nông thôn mà không chăn nuôi, không làm ruộng, quả là một bất lợi lớn.
Tôi xoay được chân thợ nề còn nàng đi bán sữa đậu nành. Cuộc sống gia đình tuy hơi chật vật nhưng tương đối hạnh phúc. Tôi mãn nguyện về mái ấm của mình.
Khi đã yên bề gia thất, tôi tưởng vì chồng, vì hạnh phúc gia đình, nàng sẽ yêu thương, quan tâm tới tôi nhiều hơn. Nhưng không. Trước đây, vì để có được tôi, nàng dành ra nhiều thời gian, công sức. Nay có tôi rồi, tất cả tâm tư, tình cảm của nàng phần lớn đều dành cho Cô. May mà Phật của nàng là đàn bà, nếu Phật của nàng là đàn ông thì có lẽ tôi đã không còn kiềm chế mình nổi nữa.
Thời gian rỗi, tôi mượn tranh ảnh, sách báo, băng hình của Cô mà nàng có xem kỹ lại. Không đọc, không xem thì thôi, đọc xem rồi, tự dưng tôi có ác cảm với người đàn bà gọi là Cô này. Người gì mà da mặt mỏng tang; ánh mắt lạnh lùng, khô khốc; giọng nói thì nhừa nhựa, the thé của người thiếu sức sống nhưng phải làm công việc nói nhiều; cử chỉ thì kênh kiệu, trịch thượng; giảng đạo thì lải nhải nhại lại những điều người ta đã biết rồi, khổ lắm, nói mãi về đạo Phật....
Ôi! Làm vĩ nhân thật khó lắm thay .Làm vĩ nhân thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn con mắt nhìn vào, luận trí tuệ, đạo hạnh, công đức...đánh giá mình là bậc chân tu hay giả tu, nếu là bậc chân tu thì đạo hạnh tu hành đã đến mức độ nào. Qua con mắt của tôi, Đức Thanh Hải Vô Thượng Sư còn chưa chứng được đạo làm người, làm sao chứng được đạo làm Phật.
Qua năm sau, chúng tôi có con. Đối với người phụ nữ, con cái dường như là tất cả của đời họ. Có con rồi, Hoan quan tâm, lo lắng cho gia đình hơn. Tôi vui mừng vô hạn. Đến năm thằng cu con tôi đến tuổi đi học mẫu giáo thì bị nhiễm cảm, ho lâu ngày không dứt rồi sinh biến chứng viêm phổi. Tôi theo con trai tôi từ trạm xá y tế xã đến bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh. Cả hai vợ chồng quắt queo, gầy rộc đi vì lo lắng cho bệnh trạng của con trai mình.
Ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ phụ trách ca bệnh của con tôi, sau khi xem kỹ hồ sơ bệnh án, bảo: " Bệnh của con anh chị kéo dài triền miên không dứt, nguyên nhân chính là do cháu bị suy dinh dưỡng quá nặng. Chúng tôi sau khi khám tổng quát, thấy các cơ quan nội tạng của cháu đều tốt, suy dinh dưỡng là do ăn uống thiếu hụt. Có lẽ ở nhà, cháu không được chăm sóc tốt, phải không?".
Tôi tình thực đem chuyện hai vợ chồng tin theo đạo của Cô, ăn chay trường kỳ, thằng cu con tôi cũng phải tuân thủ theo chế độ ăn uống đó. Nghe xong, vị bác sĩ hầm hầm tức giận nói : "Bệnh viện chỗ tôi đây đã phải chữa trị hàng chục ca do suy kiệt, suy dinh dưỡng từ những người tin theo đạo của Cô mà anh nói đó. Tuần trước, có một cụ bà chết do suy kiệt, do người nhà đem bệnh nhân đến quá trễ. Hừ! Ăn chay! Nhưng cũng năm, bảy đường ăn chay. Các thiện nam tín nữ bây giờ đến chùa cúng dường rất nhiều. Đến bữa, nhìn mâm ăn của các sư thầy cũng khá tươm tất, vả lại, các vị ấy chỉ ăn không ngồi rồi, tiêu tốn ít năng lượng. Còn các anh, con nhà lao động, ăn chay thì chỉ có cơm trắng với tương cà muối ớt, lại còn phải lao động nặng nề, chịu sao nổi. Tội nghiệt ấy các anh tự gánh chịu thì tôi không nói nhưng đừng dồn nỗi bất hạnh ấy lên đầu những đứa trẻ vô tội này. Mà tôi cũng phải nói cho anh rõ, những đứa trẻ này đang trong giai đoạn phát triển, nếu không cung cấp cho chúng nguồn dinh dưỡng tốt, sau này lớn lên, chúng sẽ có thân thể còi cọc, đầu óc chậm phát triển".
Tôi đem những lời nói của bác sĩ ấy kể lại cho vợ tôi. Nghe xong, nàng chỉ im lặng, không nói gì. Đến bữa cơm, nàng dành tất cả miếng ngon cho chồng cho con, còn nàng ăn kham ăn khổ hơn.
Tôi biết để thuyết phục nàng cho con ăn uống theo chế độ mà tôi mong muốn là không thể được, đành phải làm theo ý mình. Những lúc rảnh rỗi, mượn tiếng chở con đi chơi, tôi đưa cu cậu thẳng đến hàng quán, đãi cu cậu ăn no nê. Được vài lần, cu cậu quen hơi, đến bữa là không chịu ăn cơm, nằng nặc đòi ba chở đi ăn.
Vợ tôi sinh nghi, cho đến một hôm, nàng bắt được hai cha con tôi đang đánh chén ngon lành trong một tiệm phở. Tối hôm ấy, hai vợ chồng tôi tranh cãi với nhau một trận kịch liệt. Nàng trách tôi là kẻ lừa dối, tham ăn tục uống, làm hoen ố đi sự thanh tịnh của nàng và con. Tôi vin vào lời nói của bác sĩ, nói muốn nuôi dạy con phát triển theo cách bình thường, đợi sau này con chín chắn, trưởng thành mới để cho con tuỳ ý quyết định hướng đi của đời nó. Nàng là kẻ cố chấp còn tôi vì tương lai của con, nhất quyết giữ vững lập trường của mình.
Rạn nứt giữa tôi và nàng càng ngày càng lớn. Ra toà, chuyện không muốn nhất giữa hai vợ chồng tôi rồi cũng đã xảy ra. Trước toà, nàng khăng khăng yêu cầu tôi trở lại nếp sống như xưa, gia đình lại bình yên, hạnh phúc, còn không thì ly hôn. Còn tôi chỉ đòi hỏi nàng cho phép được nuôi dạy con như bao đứa trẻ bình thường khác. Hoà giải đôi ba lần không xong, toà cho phép chúng tôi được ly dị. Tôi yêu cầu nàng cho tôi được nuôi con. Nàng đồng ý.
Bây giờ, nếu ai hỏi tôi có ước nguyện nào lớn nhất! Tôi ước rằng bà Thanh Hải Vô Thượng Sư lại cải cách Phật giáo một lần nữa, cho phép mọi chúng sinh trên đời, sống cuộc sống bình thường nhưng có tấm lòng lương thiện đều có thể đắc đạo thành Phật. Lúc ấy, Hoan của tôi lại về với tôi, con tôi lại có mẹ, nhà tôi lại vang tiếng nói cười. Đức Thanh Hải Vô Thượng Sư ơi, tôi mong bà nỗ lực tu hành, tinh tấn tu hành lên, mau đắc đạo một lần nữa cho tôi nhờ.
Phú Dương