Sâu thẳm trong tâm hồn tôi có một lỗ hổng không thể lấp đầy. Lỗ hổng ấy chẳng biết có từ bao giờ nhưng nó cứ mỗi ngày một lớn, in hằn, khoét sâu trong tâm hồn khiến cho tôi chẳng lúc nào cảm thấy bình yên.
Mưa cứ rơi xối xả đổ ào ào như thác từ đầu xuống đến chân. Gió mạnh tạt vào mặt, vào da thịt đau rát. Tôi loạng choạng đạp xe trong cơn mưa lớn, gió thổi ào ào tưởng chừng như muốn hất tung cả người lẫn xe lên khỏi mặt đường. Vừa gồng mình đạp xe ngược chiều gió tôi vừa gào khóc, nước mắt hòa với nước mưa, tiếng gào khóc bị xé tan bởi tiếng gió rít và tiếng mưa như trút, cảm giác khóc không thành tiếng.
Tôi hận ba, hận mẹ, hận cả cái gia đình này. Tuổi thơ tôi không êm đềm như tuổi thơ của bạn bè cùng trang lứa. Phải chăng tôi sinh ra là để đón nhận bão táp?
***
Từ khi bắt đầu lờ mờ biết nhận thức, tôi đã hiểu rằng ngôi nhà ấy chỉ có tôi và mẹ. Theo như người lớn kể lại, ba mẹ tôi đi xuất khẩu lao động tại Liên Xô từ hồi 19, 20. Hai người gặp gỡ và nên duyên như thế. Đám cưới được tổ chức ấm cúng tại nơi đất khách quê người dưới sự chứng kiến của một vài người bạn thân.
Rồi mẹ mang bầu tôi. Mẹ về nước, còn ba một mình bươn trải nơi đất khách quê người. Mẹ bảo "Ba ở bên kia kiếm ăn vất vả, kiếm được bao nhiêu đều tiết kiệm gửi về cho mẹ nuôi con, ba nhớ mẹ, thương con nhưng sợ tốn kém nên chẳng dám về. Con đừng buồn, đừng trách ba nhé". Tôi cũng tin như thế và thương ba vô cùng.
Tôi cũng yêu mẹ nữa. Ngày ấy, tôi với mẹ như hình với bóng. Trừ những lúc mẹ phải đi làm, tôi đến trường, còn thì mẹ đi đâu tôi theo đấy, lẽo đẽo như hình với bóng chẳng rời nhau nửa bước. Trong tâm trí tôi lúc bấy giờ, mẹ giống như một thiên thần, tôi bảo mẹ "Con yêu mẹ nhất trần gian".
Còn nhớ năm ấy nhà tôi nghèo. Hai mẹ con ở trong căn nhà cấp 4 với gác xép lửng, trước sân nhà có hai cây cau cùng giếng nước nhỏ. Gần nhà tôi có mẹ con thằng Đức Anh. Chẳng hiểu ba nó đi đâu mà nhà nó cũng chỉ có hai mẹ con ở cùng với ông bà ngoại. Nhà nó khá khẩm hơn tôi vì có cái tivi, bù lại nhà tôi lại có cái giếng nước còn nhà nó thì thiếu nước trầm trọng. Thế là chiều đi làm về nó với mẹ sang nhà tôi xin nước. Mẹ lấy mấy vỏ hộp xà phòng bằng nhựa làm cho tôi với nó hai cái xô nhỏ, lấy que tre làm đòn gánh. Chiều chiều tôi với nó cùng hai mẹ múc nước nối đuôi nhau gồng gánh sang nhà nó. Tối đến cơm nước xong xuôi mẹ con tôi lại dắt díu nhau sang nhà nó xem nhờ tivi.
Nhà tôi khi ấy nấu nướng bằng bếp dầu. Thấy mẹ nấu cơm tôi cũng đòi nấu, khổ nỗi cái bếp cao quá tôi đâu có với tới. Mẹ chiều lòng con gái lại mang bếp ra hiên nhà, đập mấy quả trứng vào cái bát, đưa cho con gái ngoáng ngoáng, khuấy khuấy chán chê rồi mới chịu trả cho mẹ. Mẹ đổ trứng vào chảo làm món trứng rán thơm lừng, tôi ăn ngon mê tơi.
Mẹ thuộc nhiều bài hát lắm. Tôi đi học về ở trường cô dạy bài nào mẹ đều biết hết. Mẹ còn dạy tôi đọc thơ, dạy vẽ nữa.
Nhà tôi nghèo đồ chơi cũng chẳng có tiền mua. Mẹ làm ở xưởng may thường lén làm cho tôi mấy con thú nhồi bông đem về làm đồ chơi, lại tranh thủ nhặt vải thừa may cho tôi quần áo, váy vóc rõ xinh, tôi thích lắm và vô cùng tự hào về mẹ. Mẹ còn may cả gối kê đầu và gối ôm cho tôi nữa chứ. Tôi còn nhớ như in cảnh hai mẹ con vừa tíu tít chuyện trò tay nhồi bông vào gối, sở dĩ không quên được vì đấy là lần đầu tiên trong đời tôi có một chiếc gối ôm. Tôi giữ mãi chiếc gối ôm ấy, đêm nằm ngủ nhất định ôm nó và chỉ nó mà thôi đến khi nó rách tôi vẫn giữ. Chỉ đến một hôm tình yêu của tôi đối với mẹ biến thành nỗi hận thì tôi quẳng nó vào sọt rác giả vờ như chẳng mảy may luyến tiếc nhưng thực ra cõi lòng tôi như có ai đang giằng xé.
Năm tôi lên lớp 2, mẹ sang nước ngoài theoba. Tôi khóc triền miên từ ngày này qua ngày khác. Cho đến ngày tiễn mẹ ra sân bay, tôi ôm chặt mẹ không chịu rời; tôi nhìn thấy mắt mẹ rưng rưng, ngân ngấn nước "Con ở nhà với ông bà một thời gian thôi, mẹ sang bên kia ổn định sẽ đón con sang", tôi tin thế, òa khóc, buông tay để mẹ đi.
Rốt cuộc, mẹ đi sang với ba, còn tôi sống bên này với ông bà tính đến nay cũng ngót nghét 10 năm. Nhưng tôi không giận mẹ sao hứa mà không làm, tôi chỉ buồn thôi khi bạn bè có ba mẹ đưa đi học, cuối tuần được ba mẹ cho đi chơi đây đó còn tôi chẳng được như thế. Ông bà có tuổi rồi chẳng thích những chốn ồn ào như siêu thị hay công viên, tóm lại là tôi không bao giờ được đi chơi cuối tuần; nghỉ hè đi tắm biển lại càng xa xỉ, thứ nhất không có tiền, thứ nhì ông bà già rồi không thích bon chen.
Nói thật, nhà không nghèo đến mức không có ăn, nhưng ăn no thì có chứ ăn ngon thì đừng hòng. Sáng ra ngủ dậy pha vội gói mì tôm ăn chống đói để đi học. Tối về món ăn quen thuộc không thịt luộc thì cá kho kèm thêm một đĩa rau luộc hoặc có khi ăn một món hỗn tạp gì đó rất khó để gọi tên: món ấy là tất tần tật thịt, cá, tôm, dưa cà còn thừa từ những bữa trước bà trút lẫn vào kho lên thật mặn để ăn dần với cơm. Ừ thì tôi cũng tạm bằng lòng với cuộc sống vì ít nhất có thứ để ăn no bụng còn hơn là không. Nhưng làm sao cấm được một đứa đang tuổi ăn tuổi lớn như tôi thèm đến chảy nước miếng khi đi qua hàng bún riêu, hàng phở bò, bún mọc... thơm lừng. Trời ạ, hôm nào đó có đứa bạn trong lớp được ba mẹ cho tiền khao tôi đi ăn cây kem thì tôi biết ơn nó lắm lắm.
Ông bà ở trong khu tập thể do công ty phân từ ngày về hưu. Cả cái khu ấy toàn ông già bà cả trước làm cùng một cơ quan nên được sắp xếp về ở chung một chỗ, chẳng có lấy một mống trẻ con. Tuổi thơ tôi là những ngày đến trường rồi về nhà học bài rồi lại đến trường. Đương nhiên ông bà thương tôi, nhưng thương quá, giữ quá tôi hóa ra thành con búp bê trong tủ kính. Ký ức về tuổi thơ của tôi không có những trò chơi nghịch phá, không có những buổi chiều hè nô đùa chạy nhảy cùng lũ trẻ con, bạn bè tôi cũng không dám rủ sang nhà chơi vì ông bà chỉ thích yên tĩnh. Thú vui của tôi là ngồi vểnh tai hóng hớt chuyện của các ông các bà ngồi ôn nghèo kể khổ và than thở, kể lể chuyện gia đình. Thực sự chán ngắt và nhiều khi muốn nổ tung, muộn quậy tưng, muốn được nghịch phá rồi bị đánh đòn như bọn nó mà sao khó quá.
Ba mẹ từ xa điện về lần nào cũng dặn "Con phải ngoan, nghe lời ông bà, học hành thật giỏi để ba mẹ yên tâm kiếm tiền. Ba mẹ bên này vất vả, đừng để phụ lòng ba mẹ, con nhé!". Tôi thương ba, thương mẹ. Trong khi bọn bạn cùng lứa nghĩ ra đủ trò nghịch phá tôi đã ý thức được rằng mình cần học thật giỏi để chờ ba mẹ về. Chẳng chơi nữa, cũng không quậy phá, tôi cứ thếlao đầu vào học, ngoan ngoãn nghe lời ông bà. Vậy thôi, mong sao ba mẹ về thật nhanh, lúc đấy sẽ lại được ba mẹ yêu thương nhiều hơn, rồi chơi bù chắc vẫn kịp. Suốt bao nhiêu năm trời tôi cứ lủi thủi như thế, sống thầm lặng, khép kín, tự mình tranh đấu chống lại những suy nghĩ sai lệch của bản thân, tự khuyên răn, giáo dục và tâm sự với lòng mình cố gắng giữ vũng danh hiệu con ngoan trò giỏi, năm nào cũng nhận giấy khen học sinh xuất sắc.
Mẹ về thật, mẹ về năm tôi lên cấp 3. Mẹ về mang theo cả em trai tôi nữa, thằng em ngỗ ngược bấy giờ mới có 4 tuổi. Thú thật, ban đầu tôi quý nó lắm, chị em tôi chênh lệch tuổi tác khá nhiều nhưng tương đối hợp tính hợp nết. Tôi mơ màng về những ngày tươi đẹp được sống cùng mẹ như những ngày xa xưa ấy.
Bây giờ thì tốt rồi. Mẹ đã về, nhà xây mới 5 tầng khang trang, tivi, máy tính, máy giặt... đủ cả, tóm lại là đầy đủ không thiếu thứ gì. Ba còn ở bên đó một thời gian, nhưng có mẹ, có em, điều kiến sống sung túc hơn chắc hẳn tôi sẽ hạnh phúc lắm.
Tuy nhiên, đời quả thật không như là mơ. Mẹ bảo em yếu, lại lười ăn, thời gian mẹ dành hết chăm lo cho em, có đồ ăn ngon cũng phần cho em nốt. Nào tim xào, nào óc hấp, nào tôm nõn bóc vỏ... Mẹ bảo tôi "Những món ấy đắt, mua cả nhà ăn mẹ không đủ tiền, con lớn rồi, thôi nhường cho em". Ngồi chung bàn mà đứa thì ăn sơn hào hải vị, đứa phải ăn mấy thứ đồ rẻ tiền, viễn cảnh tôi chờ đợi, khát khao, nỗ lực bấy lâu nay là thế này hay sao. Đến lúc này thì tôi thấy cục tức uất nghẹn ở cổ.
Tôi bây giờ không nhịn nữa, mẹ nói câu nào cũng "Em thế này... ", "Em thế nọ... ", "Em thế kia... . ", mẹ nói một, tôi cãi mười. Tôi cãi, em tôi cũng chẳng nghe lời mẹ. Không biết là do nó thế hay tại tôi nên nó cũng sinh ra tính bướng, mẹ trách tôi "Đúng là đầu xuôi nên đuôi chẳng lọt". Tôi uất quá sinh sự đánh nó, mẹ quay ra đánh tôi. Thật không thể chịu nổi nữa, tôi dắt xe lao ra bên ngoài trời mưa gió mặc cho mẹ chạy với theo đằng sau.
Kết thúc ba năm cấp ba, tôi thi vào một trường Đại học ở Sài Gòn để chẳng phải chứng kiến cái cám cảnh nhất bên trọng, nhất bên khinh ấy nữa. Mẹ chẳng cần tôi, đã thế tôi đi cho khuất mắt mẹ.
Cứ như bọn bạn tôi đi học xa nhà thì khóc lóc ỉ ôi than nhớ mẹ thương cha. Còn tôi ngày ra sân bay chẳng có tí luyến lưu gì hết, chỉ nhủ thầm "Con đi đây, mẹ ở nhà mà chăm cục cưng của mẹ, con biết thân biết phận rồi, tốt nhất đi ở chỗ khác tránh trở thành người thừa kẻo có người ngứa mắt. "
Những ngày đầu vào sống ở Sài Gòn, tôi có chút bỡ ngỡ nhưng cảm thấy vô cùng hoan hỉ vì giờ tôi được sống là chính tôi. Chẳng có ai kèm cặp, chẳng phải gò bó bản thân đằng trong cái lốt "con ngoan trò giỏi". Tôi bắt đầu kết giao rộng rãi. Bạn bè của tôi bây giờ không còn là mấy đứa mọt sách với cặp kính dày bự trên mắt, tôi giờ đây chọn kết bạn với những đứa biết ăn, biết chơi, thích đi mua shopping, đi xem phim, đi sàn, đi bar...
Cái My giới thiệu cho tôi cái Hòa, đứa bạn nó quen ở bar. Cái Hòa đang đi tìm nhà thuê trọ, sẵn tiện phòng trọ tôi đang ở khá rộng, nó gạ tôi cho nó về ở cùng. Ở cùng cái Hòa cho có đứa bầu bạn cũng vui, cuối tháng có đứa chia nửa tiền nhà cũng đỡ được một khoản, nghĩ thế, tôi gật đầu đồng ý ngay.
Hai tháng đầu chúng tôi ở chung không có vấn đề gì. Ban ngày tôi đi học, Hòa đi làm gì tôi cũng không rõ, nó nói nó đi học nhưng tôi không nghĩ như thế vì chẳng bao giờ thấy nó mang theo sách vở, vả lại đi học mà mặc váy ngắn cổ khoét sâu son phấn lòe loẹt như nó thì chắc chỉ có học trường đời. Tôi kệ, cũng chẳng can hệ gì đến mình.
Sang tháng thứ ba cái Hòa nói với tôi công ty ba mẹ nó đợt này làm ăn khó khăn chưa kịp gửi tiền tiêu cho nó, tiền nhà quý tới nó nhờ tôi trả, lại vay thêm tôi một ít để có tiền tiêu xài. Bạn bè với nhau tôi chẳng mảy may nghĩ ngờ, nó kể khổ thế tôi tin ngay đồng ý trả trước tiền nhà và cho nó vay một khoản tiêu tạm.
Ngày hôm ấy Hòa về nhà sớm hơn mọi ngày, cỡ khoảng 8 giờ tối, tầm ấy, tôi không nhớ chính xác. Trời nóng bức, tắt nắng rồi mà vẫn oi nóng lắm, người ngợm cứ bứt rứt khó chịu. Cái Hòa về mang theo hai lon bia lạnh.
- Uống đi mày, làm một hơi cho đã khát. Nóng nực muốn chết!
Tôi bật nắp lon, tu ừng ực một hơi dài cho thỏa cơn khát. Uống đến đâu cảm giác được giải nhiệt đến đó, đã khát mà sảng khoải hẳn. Xong, tôi ngồi nói chuyện với nó mấy câu, cũng không nhớ đã nói gì chỉ tự nhiên thấy buồn ngủ díu mắt. Cơn buồn ngủ đến bất chợt, mắt như ai đeo đá cứ trĩu xuống mở lên không nổi, tôi lăn ra ngủ li bì không biết giời đất, chẳng biết cái Hòa làm gì.
Chỉ biết khi mở mắt tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao tít, nắng đã gay gắt lắm, chắc đến trưa rồi, sao hôm nay tôi ngủ say thế tỉnh dậy thấy đầu cứ ong ong. Đưa tay với lấy cái điện thoại xem giờ, sờ mãi quanh giường chẳng thấy, bật dậy tìm cũng không thấy đâu, mở túi xách cũng trống trơn, điện thoại không có, ví tiền không cánh mà bay. Bấy giờ tôi mới tá hỏa mở ngăn kéo, cái phong bì tiền tiết kiệm đâu mất, chứng mình thư cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân cũng không thấy luôn. Hớt hải chạy ra sân xe máy cũng không còn, xới tung nhà chẳng thấy chìa khóa đâu. Hỏi quanh mấy đứa trong xóm trọ chúng nó bảo thấy con Hòa lấy xe tôi đi, hai đứa ở chung phòng nên chúng nó không nghi ngờ gì.
Tôi mượn điện thoại gọi cho con Hòa "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện giờ không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau". Lập tức bấm máy cho cái My, nó bảo "Tao chẳng biết nhà con Hòa ở đâu, tao quen nó trên bar, nhảy nhót xong rồi đứa nào về nhà đứa đấy, có rảnh đâu mà đi điều tra lai lịch nhà nó, mày đi báo công an đi biết đâu họ tìm được".
Thực sự tôi sốc quá. Tôi lảo đảo chạy ra đường như đứa mất hồn định đi mà đi đâu về đâu bây giờ?!Đúng rồi, tôi cần một nơi để về, tôi cần một chỗ dựa, cần ai nó để bấu víu. Ba mẹ ơi, cho con về nhà, con muốn về nhà, con không ở đây nữa đâu, âm thanh ấy cứ dội lên trong đầu tôi như thế.
Biết chuyện mẹ tức tốc bay chuyến bay đêm vào với tôi. Ba cũng bỏ cả công việc đặt chuyến bay sớm nhất về Việt Nam. Sáng sớm hôm sau tôi đã có mặt ở Hà Nội. Ba thì sau tôi một ngày cũng đã có mặt ở nhà.
Sau chuyện đó tôi sốt li bì, sốt cao và liên tục mê sảng. Ba mẹ thay phiên nhau thức đêm chăm sóc. Mẹ khóc cạn nước mắt, ba không khóc nhưng vầng trán lúc nào cũng trau vào, quầng mắt tím thâm vì thức đêm liên tục, cả ba và mẹ đều gầy và già đi thấy rõ.
Tôi khỏi ốm nhưng tinh thần xuống cấp trầm trọng. Tôi nghỉ học ở nhà một năm. Khoảng thời gian một năm đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn không chỉ với tôi mà với cả cha mẹ.
Tôi vốn là một đứa sống nội tâm giờ càng khép kín hơn, lầm lì, ngang bướng và khó ưa. Nhiều lần tôi tình cờ thấy mẹ trốn vào góc bếp âm thầm khóc một mình trong đêm. Còn ba lặng lẽ đứng ngoài ban công hút thuốc, ba hút bao nhiêu điếu tôi chẳng đếm chỉ thấy đầy một gạt tàn toàn thuốc lá. Tôi biết ba mẹ suy sụp nhưng ba mẹ vẫn luôn động viên tôi. Trước mặt tôi ba mẹ giấu sự muộn phiền rầu rĩ của mình bên dưới những nụ cười buồn. Ba mẹ không muốn làm tôi đau lòng thêm nữa nên lúc nào cũng tỏ vẻ tươi cười, ân cần chăm sóc tôi.
Ba mẹ bảo "Ba mẹ lúc nào cũng yêu con, thương con. Xa con là vì muốn lo cho con một cuộc sống đủ đầy. Bao năm không ở bên con, chưa lúc nào ba mẹ nguôi nhớ con. Nhớ lắm, thương lắm những phải đào sâu chôn chặt nỗi nhớ khắc khoải trong lòng, đau xót lắm chứ con. Thời gian qua ba mẹ chưa hiểu hết tâm tư của con, chưa biết cách để bù đắp những thiếu thốn tình cảm trong tâm hồn con, cho ba mẹ một cơ hội để bù đắp cho con, con nhé!"
Ba mẹ ôm tôi vào lòng, tôi khóc, ba mẹ cũng khóc.
"Mẹ là nhà, ba là nóc
Con luôn hạnh phúc vì bên con có gia đình
Có những khi con ương bướng bất bình
Nhưng dù có đi đâu về nhà vẫn là nhất"
Không giận ba mẹ nữa, lỗ hổng trong tâm hồn tôi dần được lấp đầy. Tôi không cáu giận, không hằn học cũng chẳng còn tức tối với ba mẹ nữa. Tôi yêu gia đình, yêu ba mẹ, yêu em trai biết bao. Balo khoác trên vai, chân rảo bước đến trường trên con đường hai bên rợp bóng cây xanh, tôi thấy lòng mình bình yên hơn bao giờ hết.