Quê cha đất tổ

Posted: Thứ Sáu, Ngày 12-05-2017, : 1893.

Nó sinh ra ở quê, trong một căn nhà cổ được lát bằng ngói âm dương nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông Yên, núi Bợm đầy thơ mộng.  Quê cha đất tổ

***

Nhà gồm một gian bếp và một gian trên dùng tiếp khách. Cạnh nhà là một con đê đã có từ thời lâu lắm. Đối với nó, đó là con đê đẹp nhất trong tất cả các con đê mà nó đã từng đặt chân qua. Con đê ngoằn ngoèo nối liền cầu Ghép với thôn Ngọc Trà. Sở dĩ đó là con đê mà nó cho là đẹp nhất vì câu chuyện đắp đê gắn liền với việc học hành của tổ tiên nhà nó. Xưa kia, dòng họ nhà nó là dòng họ bần cố nông theo cách gọi của chế độ phong kiến. Ông cố nội của nó đi đắp đê cho làng. Nhờ cần cù và siêng năng nên sau khi đắp đê xong, ông cố nội đã được một khoản tiền lớn, mua được nhiều đất và trở thành địa chủ làng. Có lần, ông cố nội đã mở tiệc đãi cả làng ăn uống linh đình. Tuy nhiên, trong làng có một gia đình nhà nho luôn ganh ghét gia đình nhà ông cố nội, nên lúc đãi tiệc đã đi ngang qua nói chõ vào một câu "Đồ nhà địa chủ vô học" (Ý nói nhà giàu lắm đất nhưng không có học thức). Vì tức tối với câu nói này mà ông cố nội đã mời thầy địa lí vào ở trong nhà ba tháng. Sau đó di dời và xây lại mộ tổ tiên và quyết tâm đầu tư cho con cái ăn học. Có phải vì tâm linh hay vì sự đầu tư không tiếc tiền của cho con cái ăn học hay không mà từ thời ông nội nó nó trở về sau việc học hành của con cháu trở nên hanh thông và thuận lợi.

 

Năm bốn tuổi nó phải vào Vinh với bố và gia đình để lập nghiệp. Bố nó là giảng viên trường Đại học và mẹ nó là giáo viên tiểu học. Cuộc sống ở thành phố Vinh những năm ấy còn nhiều khó khăn và gian khổ. Hồi đó, không chỉ nhà nó đói mà hầu như nhà nào ở Vinh cũng đói. Ổ bánh mì lúc đó là 200 đồng và cái kẹo lạc thì giá 100 đồng. Thế nhưng, lúc nào được ăn bánh mì với kẹo lạc thì đó cả là một ước ao. Sữa năm ấy chỉ duy nhất là sữa bò đựng trong lon. Muốn uống phải luộc lên. Hồi đó, thằng bé nào như nó cũng mong được ốm vì ốm mới có sữa bò để uống. Còn bình thường đó chỉ là xa xỉ trong mơ mới có. Những năm sau đó, nhà nó nấu nướng bằng mùn cưa. Nó và anh nó được mẹ phân công nấu cơm và chuẩn bị đồ ăn cho gia đình. Anh nó hồi đó mới học lớp 5 còn nó học lớp 3. Hai anh em đói quá nên khi mẹ mua được một cân thịt lợn thì hai anh em mới xẻo ra một ít để nướng trộm ăn. Lúc mẹ vào sợ mẹ bắt gặp liền quăng cả xiên thịt nướng chín vào thùng đựng mùn cưa. Đợi mẹ ra ngoài lại lấy thịt lẫn mùn cưa lên ăn. Cái cảm giác đói đó có lẽ xa lạ với hầu hết cả trẻ em thành phố bây giờ nhưng đối với những đứa trẻ như tụi nó thì đó là một cái gì đó quen thuộc và rất đỗi thân thiết. Năm 1990, khi đó tờ 5000 đồng là tờ tiền rất lớn. Nó đi chơi tết. Nó thấy hai tờ 5000 đồng ở dưới bàn lô-tô quay xổ số. Nó lượm được chạy về đưa cho bố nó. Bố nó đi mua hai cân lòng lợn. Đó là một trong những "cái tết sung sướng nhất" mà nó từng trãi qua.

Dù sống ở Vinh nhưng nó thường hay được bố cho về quê. Cứ mỗi lần về quê nó hay cùng em họ con chú nó và đám con nít xung quanh ra bờ đê chơi. Gió từ sông Yên thổi vào mát rượi. Bọn con nít xóm quê nó thường lấy rơm ra lót ổ và nằm trên bờ đê. Câu chuyện bọn con nít của nó cũng quyện theo những làn gió. Đứa ở thành phố thì thèm những câu chuyện nhà quê. Đứa ở quê thì thèm những chuyện thành phố. Các trò chơi dân gian cứ thế ùa về. Nào là chơi lò cò, nào là chơi ô ăn quan, nào là chơi khăng, nào là chơi bắn bi, nào là chọi cù. Hoàng hôn về trên núi Bợm. Từng đàn chim mỏi cánh vỗ cánh bay về tổ. Áng chiều dần mờ trên sông. Những con còng đỏ chuẩn bị khép càng đi ngủ thì bọn nó mới giải tán.

Dòng đời cứ thế dần trôi trên dòng sông Yên. Những áng mây hồng vẫn cứ trôi về phía chân trời. Cuộc sống sẽ là một mặt sông phẳng lặng nếu không có những cơn sóng. Những năm sau đó khi nó trưởng thành, gia đình nó lại vào miền Nam lập nghiệp. Tất cả họ hàng các chú bên nội bây giờ cũng vào Nam sinh sống. Bố nó li dị với mẹ nó và lấy vợ bé. Họ hàng bên nội vì thế cũng quay lưng lại với mẹ nó và anh em nó. Cuộc sống là sự giằng co giữa hai bến bờ hiện tại và quá khứ. Quá khứ là cái tốt đẹp là truyền thống hiếu học, là danh giá của gia đình và thực tại là cái phủ nhận những cái tốt đẹp đó. Nó cứ thế đi giữa hai làn đạn. Nhiều lúc nó trốn đi thực tại để thấy một nét tự hào về quá khứ gia đình nhưng nhiều lúc nó nhận ra cuộc sống hiện tại không nhiều màu hồng như áng mây trên dòng sông thơ mộng quê nó.

Chiều nay, nó trở về với dòng sông Yên. Nó đi học Nghiên cứu sinh và về quê có việc. Nó lang thang trên bờ đê. Dòng sông Yên một chiều mùa đông xám xịt. Những đợt mù buông mờ mờ. Bên kia sông là núi Bợm vẫn sừng sững như quá khứ tuổi thơ nó. Quê cha đất tổ nó là đây! Nó như lạc lõng và đầy trống vắng. Các cụ, các cố nó đã cống hiến xương máu cho con đê này để dòng họ trở nên vẻ vang. Nó được như ngày hôm nay có một phần công sức của tổ tiên và bố nó đã nuôi nó lớn khôn. Tuy nhiên, nó đã đứng về phía mẹ nó, một người chân yếu tay mềm. Nghĩa là nó đã không còn được sự thừa nhận của dòng họ bên Nội. Nó cảm thấy nó như người thừa. Từng đợt gió lạnh lẽo tràn về thổi vào làm cắt da, cắt thịt. Nhà cổ ở quê vẫn đó nhưng đầy ba gian sương mù, không một bóng người. Cây dừa nơi góc vườn và hàng lựu mềm trở nên già cỗi. Bờ tường nhà cổ giờ đã bám rêu xanh. Những hàng cột lim của nhà cổ hàng trăm năm tuổi giờ đang xuống cấp. Nó không thể vào nhà vì không có chìa khóa. Nó đứng vọng về phía nhà cổ và vái ba vái. Rồi nó đành quay đi. Dòng sông Yên từng đợt sóng vỗ vào bờ đê. Những đợt sóng đánh vào rồi cũng những đợt sóng đó lại rút ra, rồi lại đánh vào bờ đê. Tâm hồn nó như bờ sông của con sông Yên kia cứ day dứt mãi một câu hỏi: Nó có tội lỗi gì không mà ông trời để cho nó một tâm hồn đầy vết thương giữa quê cha, đất tổ?

Nguyễn Ngọc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh

 

Nguồn - tác giả: : Sưu Tầm

 

 





Trang Mọi Người Quan Tâm