Mấy hôm nay, kể từ khi có mặt hắn, khu chợ ổ chuột này lại “nhộn nhịp” hẳn lên.
Phải thừa nhận một điều: nó rất nhanh tay. Thấy người ta chen nhau mua rau củ, nó cũng xen vào để rồi khi người ta loay hoay trả tiền thì bó rau, mớ củ ấy đã nằm trong tay hắn. Đi ngang qua hàng trái cây thì thế nào trong tay hắn cũng có vài trái. Lấy được bao nhiêu nó cho vào bao rồi lên đầu chợ ngồi bán. Của mười nó bán năm. Người ta đưa một nó cũng cười, lấy không nó cũng cười. Được vài hôm, người ta đồn nhau, thế là ai mất hàng đều đến nó, có cả. Kẻ quát tháo, kẻ hâm he, kẻ sỉ vả thậm tệ, kẻ giành giật làm ầm ỉ cả khu chợ. Lúc ấy không hiểu sao nó càng cười dữ hơn nữa. Thế là từ đó người ta gọi nó là “thằng khùng”.
Hết hàng bán, nó lại “đi săn” tiếp. Thế là chợ tan, chỗ bày bán của nó bao giờ cũng là một bãi chiến trường rác. Nhưng chiều nào cũng vậy. Không những nó dọn tinh tươm chỗ của nó mà chỗ nào còn rác nó đều dọn sạch. Biết vậy, không ít kẻ cũng thấy thích việc làm của nó...
Một hôm, không biết thằng say rượu mắt nhắm mắt mở thế nào lại tông xe ngay vào chỗ nó đang bán. Thế là hết đời nó. Thằng khùng chết, không ít người mừng ra mặt. Có kẻ ác ý hơn thì nói thẳng: “ Thế là từ nay khoẻ, khỏi bị nó quấy rầy nữa!”. Họ nhẫn tâm chẳng đoái hoài, tiếc thương…
Được vài hôm, người ta lại nhắc đến tên hắn. Dường như không được nghe tiếng chửi léo xéo, tiếng la ay áy của những người bán hàng rau quả; tiếng xì xào của những người đi chợ bởi sự có mặt của nó ở một góc đường nào đó khiến người ta buồn chăng? Rồi, cảnh bừa bộn của một khu chợ lại đâu vào đấy. Rồi họ lại đâm ra nạnh tỵ, cáu gắt như trước. Nếu người mua hàng chỉ vô tình làm rơi vãi rác, vỏ trái cây sang hàng bên cạnh sẽ bị họ quát tháo ngay hoặc bắt người bán hàng cho người ấy phải nhặt lấy. Vì lẽ ấy mà có kẻ bực mình nói thẳng:
- Mẹ cha thằng nào đụng thằng khùng. Phải chi để nó sống có phải đỡ khổ mình hơn không?
Có người bán hàng bên cạnh người này nghe vậy, không nói gì chỉ cười xót xa ....
Trà Vinh: 5/2016
Võ Quốc Tuấn