Tan lớp, con nấn ná bàn tán gì đó với bạn, chưa vội đến chỗ ba chờ. Bực mình, ba giục với giọng gắt gỏng: “Nhanh lên, thơ thẩn gì vậy? Ba phơi nắng cả tiếng, muốn sốt luôn nè”. Leo vội lên xe rồi lại tụt xuống cũng rất vội, con nói ba chờ chút. Chắc lại bỏ quên tập vở. Tính con hậu đậu, hết quên cái này lại mất cái kia.
Con chạy vội đi, níu một đứa bạn cùng theo và nói gì đó với nhau. Rồi hai đứa cùng đưa tiền cho bà cụ bán vé số. Mỗi ngày con chỉ được mẹ cho chút ít tiêu vặt, chủ yếu để khi ra chơi được ăn thêm ít quà bánh. Sao con không nghĩ cho bản thân, lại “hào phóng” đến như vậy? Con biết gì về bà cụ? Ngoài cổng trường là cả một xã hội phức tạp với đủ kiểu người, trong khi con trai của ba còn quá ngây thơ. Tự dưng ba cảm thấy khó chịu trước lòng tốt của con.
Thật ngạc nhiên, bà cụ xua tay liên tục, không chịu nhận. Bà còn rầy các con, bảo tiền cha mẹ cho dặn để làm gì thì phải làm đúng. Ai cũng cực khổ lắm mới nuôi được con cái ăn học. Mấy người xung quanh động viên, bảo tụi nhỏ đưa thì cứ lấy, nhưng bà kiên quyết nói không.
Một mình ngồi trên xe ở góc đường, ba tự xấu hổ với những tính toán ích kỷ của mình. Ba nghĩ con còn quá nhỏ nên chỉ dặn con cảnh giác chứ chưa từng dạy về sự chia sẻ cộng đồng. Chở con về, ba hỏi con không sợ bị lừa sao. Con nói ở xung quanh cổng trường ai cũng biết bà cụ bán vé số ấy. Lúc sáng bà bị kẻ xấu lừa, tráo xấp vé số cũ. Bà khóc ngất. Mấy bác xe ôm mỗi người cho bà một ít, nhưng chẳng được bao nhiêu.
Ba mừng vì con có tấm lòng nhân ái. Chắc mẹ cũng sẽ vui khi biết chuyện này. Thật ra, trong khi chờ đợi con, đã nghe mọi người kể hết câu chuyện của bà cụ nhưng ba không có hành động nào giúp đỡ. Bà đi loanh quanh khu vực quán cơm và vài dãy phố gần đó để bán, vì nơi đây đông khách qua lại. Ba cũng thấy vài người ghé tiệm ăn cơm và biếu bà ít bạc lẻ hoặc mua giùm vài tờ vé số. Riêng ba thì bàng quan.
Nhìn con, ba chợt nghĩ, từ trước đến nay mình vẫn ích kỷ và thờ ơ với mọi người xung quanh. Hành động của con khiến ba suy nghĩ nhiều để thay đổi mình.